Hội nhậpThế giới 24h

NATO nhóm họp trong thách thức

Tạp Chí Giáo Dục

Đối đầu với Nga và hỗ trợ quân sự cho Ukraine là chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra 3 ngày ở Mỹ

Tham dự hội nghị từ ngày 9 đến 11-7 (giờ địa phương), các quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ thảo luận về việc tăng cường tiềm lực quân sự của liên minh, tăng quy mô quân đội của các nước trong khối, mua vũ khí mới, bao gồm hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng của các thành viên châu Âu.

Đài Deutsche Welle đưa tin NATO cũng đã soạn thảo các kế hoạch mới về phòng thủ và triển khai thêm binh sĩ tới các quốc gia thành viên gần biên giới Nga, trong đó có 500.000 binh sĩ trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở châu Âu. 

Các quốc gia NATO hiện đã đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng. Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, số quốc gia chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng đã tăng từ 9 quốc gia vào năm 2021 lên con số kỷ lục là 23 quốc gia trong năm 2024.

Theo hãng tin TASS, về phía các nước đối tác NATO, ngoài Ukraine, lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand cũng được mời tới hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về phản ứng quân sự – chính trị với Trung Quốc và Triều Tiên. 

NATO xem đây là một phần của cuộc đối đầu với Nga. Brussels và Washington cho rằng Trung Quốc, Triều Tiên cùng với Iran là những đồng minh chính của Nga, giúp Moscow đối phó với áp lực kinh tế của phương Tây và tập trung nguồn lực quân sự cần thiết để tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

NATO nhóm họp trong thách thức- Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tiếp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Lầu Năm Góc ở Washington – Mỹ hôm 8-7. Ảnh: Reuters

Hội nghị năm nay diễn ra đúng vào dịp NATO kỷ niệm 75 năm thành lập. 32 quốc gia thành viên nhóm họp tại Mỹ nhằm thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết nhưng tình hình chính trị bất ổn ở châu Âu – thể hiện mới nhất qua hai cuộc bầu cử quốc hội ở Pháp và Anh – cùng kịch bản về nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ phủ bóng hội nghị.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải tận dụng sự kiện này để trấn an các đồng minh về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khối NATO cũng như khả năng điều hành đất nước của ông khi ngày càng có nhiều lời kêu gọi ông rời khỏi cuộc đua tổng thống đang diễn ra. 

Nhiều người ở châu Âu lo ngại ông Trump có triển vọng tái đắc cử cao hơn ông Biden. Cựu tổng thống Mỹ đã liên tục chỉ trích NATO và đe dọa sẽ buộc các nước châu Âu phải trả tiền để được Mỹ bảo vệ. 

Trong chiến dịch tranh cử gần đây, ông Trump thậm chí còn hàm ý Nga có thể "làm bất cứ điều gì họ muốn" với các thành viên NATO không đáp ứng được mục tiêu về chi tiêu quốc phòng.

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington lần này, các nhà lãnh đạo NATO dự kiến bật đèn xanh về kế hoạch cho phép NATO lãnh đạo việc điều phối viện trợ an ninh và huấn luyện cho Ukraine. 

Kế hoạch này được đưa ra sau sự chậm trễ đáng kể của Mỹ trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine và là một cách đề phòng trường hợp ông Trump có thể ngừng mọi viện trợ cho Kiev nếu ông tái đắc cử. Trước mắt, các thành viên NATO cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine như mức độ lâu nay, tức khoảng 40 tỉ euro/năm, trong ít nhất 1 năm nữa.

Tuy nhiên, bà Majda Rude, thành viên chính sách cấp cao của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, nhận định một châu Âu đang chia rẽ là một trong những rủi ro lớn nhất trong tương lai. 

Cảnh báo về bất ổn chính trị ở cả hai bờ Đại Tây Dương, ông Ian Lesser, lãnh đạo tại Quỹ Marshall Đức, bình luận: "Châu Âu không chỉ lo ngại về kết quả cuộc bầu cử Mỹ và những tác động tiềm tàng của nó đối với NATO mà còn lo lắng kết quả đó có thể ảnh hưởng đến những diễn biến chính trị ở châu Âu". 

Theo Xuân Mai/NLĐO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)