Hiện không những chỉ có EU mà còn cả NATO đã bắt đầu quan ngại thật sự về triển vọng kịch bản cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ giành về phần thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ. Cả hai đều bắt đầu phải toan tính ứng phó với việc mối quan hệ giữa EU và NATO với Mỹ sẽ trở nên bất hoà và xung khắc hơn rõ rệt nếu như ông Trump trở lại cầm quyền.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Còn gần 9 tháng nữa mới tới ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ. Cả Đảng Cộng hoà lẫn Đảng Dân chủ Mỹ hiện đều ở trong quá trình bầu cử sơ bộ để chọn ra ứng cử viên tổng thống chính thức cho đảng của mình. Nhưng nhiều khả năng ông Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden thuộc phe Đảng Dân chủ sẽ lại đấu tay đôi với nhau.
EU và NATO phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. EU đưa ra định hướng giải pháp với tên gọi là Tự chủ chiến lược về an ninh. Nội dung chủ yếu ở đây là các nước thành viên EU tự tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng và an ninh để tự bảo vệ được chính họ trước những đe doạ và thách thức an ninh từ bên ngoài.
Trong khi đó, NATO bị thách thức trên phương diện khác và vì thế phải ứng phó theo cách khác để tự giải cứu. Nếu ông Biden thắng cử và tiếp tục điều hành nước Mỹ thì NATO yên ổn. Người này từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi cuối tháng 1.2021 đã luôn khẳng định mọi cam kết của Mỹ đối với NATO, quả quyết Mỹ vẫn coi trọng NATO và sẽ vẫn dẫn dắt NATO.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris mới đây nhất tại Hội nghị An ninh Munich năm nay cũng thể hiện những quan điểm như vậy. Nhưng nếu ông Trump trở lại cầm quyền thì có thể sẽ khiến cho NATO gặp ác mộng giữa ban ngày.
Thời còn cầm quyền, ông Trump đã một vài lần doạ rút nước Mỹ ra khỏi NATO. Ông Trump muốn các nước thành viên NATO phải trả phí cho cam kết của Mỹ trong NATO về đảm bảo an ninh cho các thành viên, tức là biến điều NATO coi là thiêng liêng nhất, quý giá nhất và bản chất đặc thù nhất là "đoàn kết bảo vệ lẫn nhau" thành trả đúng giá thì có thể mua về được. Ngày 10.2 vừa qua, ông Trump còn khiến NATO rụng rời chân tay và bối rối đầu óc khi tuyên bố nếu trở lại cầm quyền ở Mỹ sẽ khích lệ Nga muốn làm gì thì làm với những thành viên NATO mà ông Trump cho rằng không chịu thực hiện cam kết mức chi ngân sách quốc phòng như đã được thoả thuận chung trong NATO.
Thoả thuận này được các thành viên NATO thông qua tại hội nghị cấp cao năm 2014 ở Wales. Các thành viên NATO dành 2% GDP hằng năm cho ngân sách quân sự và quốc phòng. Vào thời điểm ấy, trong NATO chỉ có Mỹ, Anh và Hy Lạp đáp ứng được mức ít nhất 2% kia.
Bây giờ, trước nguy cơ bị Mỹ từ bỏ cam kết đảm bảo an ninh, các nước thành viên NATO buộc phải khuất phục trước áp lực của Mỹ. Hôm 14.2 vừa qua, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hiện đã có 18 trong tổng số 31 thành viên hiện tại của NATO đáp ứng được mục tiêu 2% nói trên.
NATO phải tăng ngân sách quốc phòng và quân sự để ông Trump không có lý do đe doạ sự tồn tại của NATO và để ông Biden không bị yếu thế trong vận động tranh cử tổng thống hiện tại. NATO ngầm muốn ông Biden tái đắc cử nhưng đồng thời không thể không trù liệu cho khả năng ông Trump trở lại cầm quyền. Chỉ tự thân vận động như thế thì NATO mới có thể tự giải cứu. Đối với NATO, thực chất lời cảnh báo từ sự đe doạ của ông Trump là chừng nào còn lệ thuộc vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ thì chừng đó các thành viên NATO sẽ còn phải tiếp tục và liên tục tăng ngân sách quân sự và quốc phòng.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)