Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nấu ốc thành món ăn bài thuốc

Tạp Chí Giáo Dục

Chế biến món ốc đúng cách có thể giúp bồi bổ thêm nhiều chất dinh dưỡng, giải độc, giảm béo, hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh tiểu đường.  

Khi trời sa mưa cũng là lúc ốc chui ra ngoài sau những tháng ẩn mình tránh nắng. Người lớn, trẻ con đội mưa đi bắt ốc, nhiều thì cả thùng thiếc, ít cũng một giỏ. Ốc đem về phải ngâm nước vài ngày. Muốn ăn liền phải ngâm nước gạo, thêm một ít ớt hiểm, ớt cay, ốc há miệng, chất dơ ra sạch.
Chế biến ốc có nhiều cách: luộc sả, luộc hèm, làm dồi… Cầu kỳ hơn, ốc treo giàn khói 5 – 10 ngày đem luộc chấm mắm sả. Người sành ăn còn có cách ăn khác, chọn ốc con lớn, rửa sạch, để vào giỏ treo trên vách bên hiên nhà vài ngày cho ốc đói khát. Dừa khô nạo chỉ, vắt nước cốt để vào thau, trút ốc vào. Sau vài giờ, đem ra hấp sả ăn.
 
Có ốc nước ngọt và ốc nước mặn. Trong y học cổ truyền, thầy thuốc chuộng sử dụng ốc nước ngọt hơn vì có nhiều dược thiện quý trong vỏ, thịt (ốc bươu, ốc sên, ốc nhọn, ốc ná, ốc đá, ốc vặn…). Thịt ốc có tính hàn, vị ngọt, bổ dưỡng, tiêu viêm, lợi tiểu. Thành phần chủ yếu trong thịt ốc là chất đạm, mỡ, cacbua hydrat, canxi, photpho, sắt, các sinh tố B2, PP, A… nên đây cũng là món ăn thích hợp cho những người béo phì muốn giảm cân.
Canh ốc bươu lá vang
Ốc bươu lá vang: ốc bươu 500g, lá vang 100g. Cho vào nồi nấu cùng ớt hiểm, khế chua. Nêm gia vị vừa ăn. Món ốc này là phương thuốc giúp phục hồi sức khoẻ nhanh chóng, khí huyết thông suốt.
Ốc xào rượu: có thể xào ốc (ốc bươu, ốc nhọn, ốc ná…) với khế, rượu. Chấm với xì dầu trộn gừng băm nhỏ và ít bột ngọt. Nước ốc lẫn rượu có thể trút ra cốc để uống cùng món nhắm. Món ốc này có tác dụng ích thận, tráng dương, thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm béo.
Ốc nhồi hấp lá gừng: thịt ốc bươu (500g) băm kỹ, trộn với giò sống, cuốn một vòng lá gừng non, nhồi vào vỏ ốc, hấp cách thuỷ. Sự kết hợp giữa tính hàn của ốc và tính nóng của gừng giúp duy trì cân bằng cho cơ thể, bồi bổ thêm nhiều chất dinh dưỡng, tăng cường sức khoẻ bền lâu.
Ai phải kiêng ốc?
Những người tỳ vị hư hàn (dạ dày bị đau, viêm loét), rối loạn tiêu hoá kéo dài, người có vết loét trên da thịt chưa lành… nên kiêng hoặc hạn chế ăn ốc. Ốc là vật chủ trung gian của nhiều loài giun sán gây bệnh cho người nên chỉ ăn ốc khi đã nấu chín hẳn. Tránh dùng tái hay vắt chanh ăn sống.
Ốc bươu củ chuối: ốc bươu 1kg, thịt heo ba chỉ 300g, mẻ chua 100g. Đậu hũ chiên 300g, củ chuối hột (chuối chát) non 300g, nghệ (giã, vắt nước), khế, bạc hà, hành, tỏi, gia vị lượng vừa đủ. Ngâm ốc cho ra hết nhớt, rửa sạch, khều lấy đầu, bỏ ruột. Thịt heo thái mỏng, ướp ốc và thịt với mẻ chua, nước nghệ. Bạc hà tước vỏ, thái lát, bóp muối. Củ chuối thái mỏng, ngâm nước cho hết nhựa. Phi thơm hành, tỏi cùng dầu ăn, đổ thịt ốc đã ướp vào xào săn. Cho bạc hà, thịt ba chỉ và ít nước dùng vào um cho chín mềm. Sau cùng cho đậu hũ vào trộn đều, nêm nếm vừa ăn. Món này ăn với mắm tôm, có tác dụng giải độc, hỗ trợ trị tiểu đường (làm giảm cảm giác khát nước, đói bụng), trừ thấp nhiệt, sởi, lỵ…
Ốc nấu giả ba ba: nấu như món ốc bung cùng thịt ba chỉ, chuối xanh, đậu hũ chiên và thêm vào tía tô. Có tác dụng làm ấm người, chữa suy nhược cơ thể.
Ốc áp lửa: ốc (ốc bươu, ốc nhọn, ốc đá…) nấu chín. Sả đập giập hoà với gia vị. Đổ nước gia vị hỗn hợp vào miệng ốc, nướng cạn trên bếp than hồng. Món ăn này thích hợp cho người béo phì cần giảm cân nhanh.
Giò ốc: ốc luộc chín (ốc bươu, ốc nhọn, ốc đá…), khều phần miệng, xào với tiêu, gừng, bột ngọt, mộc nhĩ, nấm hương và thịt đầu heo. Để nguội, gói trong khuôn sắt lót lá chuối. Luộc xong, bỏ khuôn sắt, bó thanh giò bằng tám thanh tre cho thật chặt. Giò ốc dùng để trị chứng da vàng, nước tiểu sậm, thần kinh suy nhược, khí huyết không đủ…
Theo ThS.BS Võ Thị Thu
Sài Gòn tiếp thị

 

Bình luận (0)