Nếu không có gì thay đổi khi thời điểm 17 giờ ngày 31-8 trôi qua, Navibank Sài Gòn sẽ nhận vé đấu trận play-off trụ lại V-League nhờ quy định của VFF.
Khi đề ra quy chế gồm 9 trường hợp lên xuống hạng sau mùa bóng 2010, ai cũng thấy những quy định ấy khá lằng nhằng, rắc rối. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà VFF lại phải đề ra hàng loạt tình huống như vậy cho chuyện lên – xuống hạng.
Không phải ngẫu nhiên mà các cầu thủ Navibank Sài Gòn sắp giành được suất đấu vớt trụ lại V-League. |
“Chín” ép
Thời hạn phải cổ phần hóa khá gấp gáp và ngặt nghèo đối với các CLB ở V-League và các đội hạng nhất có tham vọng lên chơi V-League. Ai cũng biết các đội bóng VN được sinh ra trong cơ chế bao cấp, bóng đá doanh nghiệp mới xuất hiện từ chục năm nay. Do vậy, các đội bóng vẫn còn chịu sự kiểm soát, định hướng của lãnh đạo địa phương. Vậy mà chỉ trong vòng hơn một năm kể từ khi thông báo, VFF đã “dồn” nhiều đội phải trở thành “công ty”.
Ba đội bóng gồm M.Nam Định, LS.Thanh Hóa và CS.Đồng Tháp là những cái tên cuối cùng bị “điểm mặt chỉ tên” vì chơi ở V-League mà chưa “chuyên”. Nhưng rốt cục, chỉ có hai “hành khách” cuối cùng là LS.Thanh Hóa và CS.Đồng Tháp bắt kịp “chuyến tàu”, còn M.Nam Định ngậm ngùi xuống hạng nên cũng hoãn luôn kế hoạch cổ phần hóa.
Tính “cửa” cho Navibank Sài Gòn
Trong khi thời hạn phải chuyển thành doanh nghiệp của các đội V-League rất ngặt nghèo thì các đội hạng nhất lại rất thư thả, ung dung. Họ còn tới 4 năm nữa để tính tới chuyện “nhà nghề hay không nhà nghề”.
Có một tình tiết khá lạ xảy ra ở cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo VFF với báo giới trước khi V-League và giải hạng nhất hạ màn cách đây đã hơn một tháng, Phó Tổng Thư ký Dương Nghiệp Khôi có nói: “Hiện nay, quy định về lên xuống hạng đang rơi vào trường hợp số 4”. Ông Khôi cũng nhắc đi nhắc lại “trường hợp 4” là trường hợp mà Navibank Sài Gòn sẽ được “giải cứu” ngoạn mục. Thực ra, ở thời điểm ông Khôi tuyên bố chuyện này, CS.Đồng Tháp và LS.Thanh Hóa vẫn chưa chính thức chuyển đổi mô hình mà mới chỉ “hứa sẽ chuyển đổi kịp” trước thời hạn chót, tức là về lý thuyết vẫn chưa phải “trường hợp số 4”.
Vậy thì tại sao lãnh đạo VFF luôn nhấn mạnh vào “trường hợp số 4”? Đó là trường hợp mà hạng nhất vẫn có tới 5 CLB chưa chuyển đổi mô hình và họ chỉ có được 1,5 suất lên hạng, trong khi đó V-League đều đã là “nhà nghề”, đồng nghĩa với việc V-League cũng chỉ có 1,5 suất xuống hạng. Trong “trường hợp số 4” có nói rõ: “Nếu số CLB chuyên nghiệp ở giải hạng nhất quốc gia 2010 là 9 CLB trở xuống… thì”. Ở điểm này có khá nhiều người thắc mắc tại sao phải là 9 mà không phải là 8 hay 7 CLB? Nếu chỉ quy định 7 CLB chuyên nghiệp ở hạng nhất trong trường hợp này cũng “chẳng chết ai” mà AFC cũng không bắt bẻ nhưng lúc đó Navibank Sài Gòn sẽ không còn cửa đi play-off!
Đến 17 giờ ngày 31-8, thời hạn nộp hồ sơ chuyên nghiệp mới kết thúc nhưng có vẻ 5 đội chưa kịp lên chuyên của hạng nhất là Huda Huế, Quảng Nam, An Giang, Cần Thơ và Hải Nhân Tiền Giang không có gì phải vội. Họ không thể thăng hạng (thậm chí Hải Nhân Tiền Giang còn rớt xuống hạng nhì) và thời hạn chuyển đổi cũng còn tới tận năm 2014.
Theo thông tin mà chúng tôi nhận được đến chiều qua (29-8), nghĩa là chỉ còn 48 giờ trước thời hạn cuối cùng thì cả 5 CLB trên vẫn chưa có động thái nào để chuyển lên chuyên. Điều đó cũng có nghĩa là gần như chắc chắn Navibank Sài Gòn sẽ được giải cứu bằng tấm vé đi play-off với Than Quảng Ninh.
Phạm Ngọc (theo NLD)
Bình luận (0)