Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

“Né” sư phạm – “mê” kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh lớp 12 các trường THPT chỉ còn vài ngày để quyết định sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành nghề nào. Mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng thông tin phản hồi từ các buổi tư vấn tại trường thì học sinh Hà Nội ít quan tâm tới các ngành sư phạm, nông lâm ngư nghiệp… mà chủ yếu vẫn là khối ngành kinh tế.

Ào ào tư vấn hướng nghiệp


Các trường ngày càng quan tâm đến tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT

“Năm nay các trường ĐH chủ động đến với học sinh phổ thông ngày từ đầu mùa tuyển sinh, ngày nào nhà trường cũng tiếp đại diện các trường ĐH đến đặt vấn đề tổ chức tư vấn hướng nghiệp” – bà Bùi Thị Minh Nga, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú cho biết. Đợt cao điểm diễn ra vào dịp 26-3, các hoạt động Đoàn được kết hợp với hướng nghiệp của các trường ĐH rất sôi nổi. “Hoạt động dạy và học ở trường rất bận rộn trong dịp này vì còn phải tập trung vào ôn thi tốt nghiệp nhưng vì quyền lợi của học sinh nên chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các trường ĐH để đem thông tin đến cho học sinh” – bà Bùi Thị Minh Nga cho biết. Những trường nhận được sự quan tâm của học sinh chủ yếu là ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH RMIT, Học viện Ngoại giao, FPT… “Các trường khối xã hội cũng đăng ký tư vấn tuy nhiên, các em ít quan tâm, đặc biệt là khối sư phạm thì càng hiếm. Cả trường chỉ có 1, 2 học sinh dự định đăng ký vào ngành này” – Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú cho biết.
Nằm trong số những trường có khối lượng học sinh lớp 12 đông nhất nhì toàn thành phố, trường THPT Việt Đức cũng nhộn nhịp các hoạt động tư vấn hướng nghiệp kể từ đầu tháng 3 đến nay. Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, rất nhiều trường ĐH trong và ngoài nước đến đây tư vấn cho học sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho học sinh nhà trường phải có “bộ lọc” để chọn những trường ĐH có uy tín. Trong đó, những trường được học sinh quan tâm và gửi nhiều thắc mắc là ĐHQG Hà Nội, Học viện Ngoại giao, ĐH Thương mại, ĐH Hà Nội… “Nhà trường cũng yêu cầu các trường phải tổ chức tư vấn diện rộng về các ngành nghề, giải đáp các thắc mắc cho học sinh chứ không chỉ đơn thuần là giới thiệu về trường mình” – ông Bình cho biết. 
Cần những định hướng sâu hơn
Sau những hoạt động tư vấn khá rầm rộ thì điều mà các trường đánh giá là bước đầu có sự chuyển biến trong cách lựa chọn ngành nghề đại học của học sinh THPT. Các em không còn lựa chọn theo tâm lý đám đông mà đã có những cân nhắc phù hợp. “Nhiều học sinh sau khi được tư vấn đã chọn được cho mình những ngành, trường phù hợp với năng lực. Tuy nhiên cũng khá nhiều học sinh lựa chọn phương án an toàn, chọn những ngành, trường không đòi hỏi cao về đầu vào thay vì chọn ngành nghề mà mình ưa thích” – Ông Nguyễn Đức Hải, Hiệu trưởng trường THPT Cầu Giấy cho biết. “Xu hướng lựa chọn năm nay của hơn 400 học sinh lớp 12 của trường vẫn chủ yếu là khối ngành kinh tế và một số trường đặc thù như công an, quân đội còn sư phạm thì không có học sinh nào đăng ký”. Ông Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, nhiều năm nay tình trạng khan hiếm học sinh đăng ký vào sư phạm đã xảy ra dù thầy cô rất nhiệt tình khuyến khích các em theo học ngành này. “Tôi có thông tin từ trường ĐH Sư phạm Hà Nội rằng vài năm gần đây, trường này không tuyển được học sinh Hà Nội vào ngành sư phạm”.
Trước khả năng mất cân đối về ngành nghề do thiếu định hướng ngay từ bậc phổ thông, nhiều trường cũng đã đặt ra hình thức tư vấn sâu và tư vấn bao quát cho học sinh để các em có những nhận thức đầy đủ về nhu cầu nhân lực xã hội. Ông Nguyễn Quốc Bình cho biết, để giúp các em nhìn nhận đầy đủ hơn thì bản thân hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia tư vấn. “Với ngành sư phạm thì chúng tôi hiểu rõ vấn đề thiếu nguồn tuyển vì vậy nhà trường đặc biệt khuyến khích học sinh lựa chọn ngành này. Năm trước một học sinh của trường đã đỗ thủ khoa sư phạm và đây là tấm gương thiết thực được chúng tôi nêu ra để các em hiểu rõ vai trò của giáo viên giỏi mới có được đội ngũ học sinh chất lượng. Tuy nhiên phải sau ngày 16-4 nhà trường mới có thể thống kê chính thức về sự lựa chọn ngành nghề của các em”. Ban Giám hiệu trường THPT Phan Đình Phùng cũng cho biết, sau những buổi tư vấn sâu thì tỷ lệ học sinh lựa chọn ngành kinh tế, tài chính cũng đã giảm và thay vào đó học sinh đã quan tâm đến các ngành nghề khác như kỹ thuật, công nghệ, môi trường…

Duy Anh
Theo ANTĐ

 

Bình luận (0)