Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, Trường ĐH Y Dược TPHCM có trên 300 thí sinh hệ ngoài ngân sách ngỡ đậu thành rớt rồi lại ngỡ rớt thành đậu khiến không ít phụ huynh, thí sinh “thót tim”. Ai chịu trách nhiệm về tình huống trớ trêu này?
Giải thích việc này, một cán bộ của Trường ĐH Y Dược TPHCM trả lời trên báo chí rằng không có văn bản nào chứng minh trường công bố điểm chuẩn dự kiến và điểm chuẩn nguyện vọng 1 hệ ngoài ngân sách, do đó, trường không chịu trách nhiệm. Thế nhưng, trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 lại ghi rất rõ: Trường ĐH Y Dược TPHCM tuyển 555 chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách trên 1.650 tổng số chỉ tiêu được giao năm 2011.
Cũng trong cuốn sách do Bộ GD-ĐT in ấn, phát hành nói trên, không chỉ Trường ĐH Y Dược TPHCM mà còn rất nhiều trường công bố chỉ tiêu tuyển sinh cho hệ ngoài ngân sách. Như vậy, rõ ràng những người quan tâm tới vấn đề tuyển sinh của ngành GD-ĐT đều hiểu sự cố tại Trường ĐH Y Dược TPHCM vừa qua đúng là chuyện “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”, nghĩa là có trách nhiệm từ bộ đến các trường.
Câu chuyện ngỡ mới nhưng đã dai dẳng trong nhiều mùa tuyển sinh qua. Năm 2010, Bộ GD-ĐT đã cho phép 4 trường ĐH là Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xét tuyển hàng ngàn chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách cho những thí sinh đã trượt nguyện vọng 1, có điểm chuẩn thấp hơn của trường. Việc Bộ GD-ĐT du di các trường “tốp trên” được tuyển chỉ tiêu hệ đào tạo ngoài ngân sách vấp phải phản ứng của các trường “tốp dưới”, đặc biệt các trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Dư luận đã ví “kẻ ăn không hết, người lần không ra” hay lại tiếp tục tuyển hệ B trong trường công.
Điều 48 Luật Giáo dục 2005 quy định hệ thống giáo dục quốc dân chỉ tổ chức thành 3 loại, gồm: trường công lập, trường dân lập, trường tư thục. Vì vậy, các trường bán công, các lớp bán công hệ B trong trường công phải chuyển đổi và giải thể, không được tuyển sinh nữa. Mặt khác, Nghị quyết 05/2005/NQCP ngày 18-4-2005 của Chính phủ cũng ghi rõ không duy trì các cơ sở bán công, các lớp bán công trong trường công.
Việc Bộ GD-ĐT cho phép một số trường mở lớp đào tạo ngoài chỉ tiêu ngân sách Nhà nước, dù được đánh tráo bằng những khái niệm gì thì cũng đều không đúng với tinh thần của Luật Giáo dục và Nghị quyết 05/2005/NQCP ngày 18-4-2005 của Chính phủ. Điều này cần phải chấm dứt nếu muốn tạo ra sự công bằng trong tuyển sinh ĐH-CĐ.
Theo Trần Hữu Trù
(NLD)
Bình luận (0)