Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nên bỏ sinh hoạt chuyên môn cụm

Tạp Chí Giáo Dục

Bậc THCS tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm từ khi dạy và học theo chương trình sách giáo khoa thay đổi từ năm 2002. Cụ thể, ở mỗi môn học trong học kỳ (hoặc cả năm), mỗi trường tổ chức dạy một tiết và thường dạy vào sáng thứ năm hằng tuần. Gần đây hơn là thực hiện một tiết dạy và kèm theo là báo cáo chuyên đề minh họa cho tiết dạy đó. Mỗi trường cử đi dự từ 1 đến 2 giáo viên, thường là tổ trưởng và giáo viên dạy bộ môn của khối lớp đó. Mục đích việc làm này là tạo điều kiện cho giáo viên cùng bộ môn trong quận/huyện trao đổi kinh nghiệm, học hỏi nhau trong quá trình dạy học. Tuy mục đích là tốt, nhưng theo tôi nên bỏ, vì: Thứ nhất là mỗi giáo viên có tầm hiểu biết, kiến thức chuyên môn khác nhau, có cách dạy đặc trưng riêng của mình, phong cách sư phạm riêng, không ai giống ai. Mặt khác, đặc thù của mỗi trường với cơ sở vật chất đâu phải đồng đều như nhau, mặt bằng dân trí, trình độ học vấn của học sinh của mỗi trường cũng chẳng giống nhau nên khó mà thực hiện như nhau được. Thứ hai, lãng phí thời gian, lại tốn tiền. Đó là phải mất một buổi đi dự, có khi “vui vẻ” với đồng nghiệp sau sinh hoạt lại tốn tiền. Đã tốn tiền rồi, đôi khi vui quá đà, không làm chủ được mình dễ xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông. Riêng trường sở tại phải đầu tư thời gian trang trí, tổ chức đón giáo viên các trường về dự, tốn tiền trà nước, bánh kẹo, trái cây… có khi cả tiền triệu, trong khi ngân sách của trường ngày càng eo hẹp (cắt giảm chi tiêu). Thứ ba, khi dự thì phải tham gia góp ý mà khi góp ý thật thì ngại, sợ phật lòng đồng nghiệp mình. Mặt khác, quan trọng hơn là khi dự về không có thời gian để trao đổi, thông báo lại đồng nghiệp ở trường để học hỏi. Vì thứ năm tuần nào cũng bận: Tuần 1 họp hội đồng; tuần 2 họp chuyên môn; tuần 3 họp công đoàn, hoạt động ngoài giờ; tuần 4 thao giảng, dự giờ. Ấy là chưa kể tổ chức lễ hội, hoạt động ngoại khóa nữa nên ai đi dự người đó biết, biết rồi bỏ đó thì làm gì phát huy tác dụng được. Thứ tư, vì sợ dạy không thành công nên giáo viên trường đăng cai tổ chức thường “hướng dẫn”, “diễn kịch bản trước” cho học sinh quá kỹ, có khi dạy trước bài dạy nên khi thực dạy là không thực chất, do đó không thể lấy đó là cơ sở để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi nhau trong quá trình dạy học. Còn đối với học sinh thì là hại vô cùng vì đã tiếp tay, nhen nhóm sự không trung thực trong học sinh, ấy là chưa kể từ việc này sẽ gây ra cái nhìn không hay về hình ảnh người thầy trong lòng các em.

Vả lại, hơn 13 năm qua, ngành giáo dục cũng chưa thấy sơ kết, tổng kết về việc sinh hoạt chuyên môn cụm tốt và chưa tốt, hiệu quả và chưa hiệu quả ở điểm nào cho giáo viên rõ, trong khi đó hầu hết giáo viên hiện nay không mặn mà với kiểu sinh hoạt này.

Nguyễn Văn Tú (Đà Nẵng)

Bình luận (0)