Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Nên cho thí sinh đăng ký xét tuyển trực tiếp

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Tây Ninh đặt câu hỏi với Ban tư vấn trong chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai”. Ảnh: V.M

Góp ý cho Dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy 2016 vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, đại diện một số trường cho rằng vẫn nên tiếp tục duy trì nhận hồ sơ xét tuyển trực tiếp để tạo thuận lợi cho thí sinh…

Dự thảo thông tư quy định, thí sinh năm nay nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến hoặc qua đường bưu điện. Trong khi đó, các năm trước, thí sinh còn được trực tiếp đến trường ĐH-CĐ nộp hồ sơ đăng ký. TS. Nguyễn Quốc Chính – Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng, nên có thêm một kênh nộp trực tiếp vì rất nhiều thí sinh ở gần các trường ĐH-CĐ, việc nộp trực tiếp rất thuận lợi. Đồng quan điểm, TS. Trần Mạnh Thành – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt – nhận định, việc không được nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH-CĐ mà chỉ đăng ký trực tuyến và qua bưu điện có cái lợi là thí sinh không phải vất vả di chuyển hay tốn kém, tuy nhiên cũng cần cân nhắc trước khả năng xảy ra nghẽn mạng khi xét trực tuyến. TS. Thành cho rằng, quy định không nộp hồ sơ trực tiếp giúp giảm áp lực cho thí sinh, tránh cảnh chen chúc, chờ đợi, đi lại tốn kém…, song tình trạng này chỉ xảy ra ở những trường tốp trên thôi. Trong khi đó, người đến nộp trực tiếp còn nhằm mục đích được tư vấn thông tin nữa.

TS. Thành nêu thực tế, các năm qua, nhiều thí sinh phụ huynh khi đến trực tiếp trường không chỉ để đăng ký xét tuyển mà trước hết còn nhằm tham quan tìm hiểu cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất đào tạo của trường, nhờ tư vấn những thông tin cần thiết… Thậm chí có người còn xin xem phòng học có khang trang, sáng sủa, mát mẻ hay không sau đó mới quyết định đặt bút lựa chọn đăng ký. “Theo tôi, nên giữ nguyên “kênh” nộp hồ sơ trực tiếp như các năm trước. Vì bản thân phụ huynh, thí sinh đều tự biết được khi nào cần đến trực tiếp trường và khi nào không. Khi áp dụng cả 3 “kênh”, người học cảm thấy phù hợp phương thức nào sẽ chủ động chọn phương thức ấy” – TS. Thành nói.

Về dự kiến bỏ điểm sàn CĐ năm nay, TS. Thành cho rằng, điều này phù hợp Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trước đây hệ CĐ nghề cũng chỉ xét đầu vào đối với người tốt nghiệp THPT thôi. Việc bỏ sàn CĐ cũng hướng tới giảm bớt áp lực thi cử, đồng thời tạo điều kiện mở rộng nguồn tuyển CĐ, giúp các trường có điều kiện lựa chọn thí sinh chất lượng nhất. Cùng với việc sửa đổi Thông tư 55 (người học được liên thông ngay không phải chờ 36 tháng), đây là hướng tốt để thực hiện xã hội học tập suốt đời. Ngoài ra, TS. Thành còn đề cập, trong điều kiện tuyển sinh CĐ “dễ thở” hơn, việc thu hút được người học vào một cơ sở đào tạo hay không phụ thuộc chính ở chất lượng đào tạo. Những trường nào không chú ý cạnh tranh chất lượng sẽ không có tương lai.

TS. Nguyễn Quốc Chính cho rằng, về lâu dài cần định hướng để người học thấy được việc học CĐ đem lại cơ hội tốt không thua gì ĐH, cũng như giúp người học nhận thức rõ năng lực của bản thân họ phù hợp với bậc CĐ chứ không miễn cưỡng chọn vào. Khi đó, thí sinh sẽ cảm thấy “được” trúng tuyển vào CĐ thay vì “bị” trúng tuyển.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)