Nên chọn mua bánh, mứt, kẹo tại các siêu thị trong ngày Tết. Ảnh: N.Quang |
Gần một tháng nữa là Tết Nguyên đán nên lượng hàng hóa bánh mứt được tung ra thị trường rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều loại bánh, mứt không rõ nguồn gốc đang được “hóa trang và phù phép” để qua mặt người tiêu dùng.
“Bẩn” công khai
Gần hơn tháng nay, tiểu thương ở chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định, chợ Thủ Đức đã bắt đầu “ưu tiên” hơn cho các loại sản phẩm bánh, mứt, kẹo để đón đầu phục vụ Tết Bính Thân. Tuy số lượng không nhiều như trong các siêu thị, nhưng mặt hàng này ở các chợ truyền thống lại rất phong phú về chủng loại. Điều đáng nói là giá cả cũng “mềm” hơn rất nhiều. Tại chợ An Nhơn, Q.Gò Vấp riêng về loại mứt đã có đủ mặt hàng như: Mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, mứt cà na, mứt mãng cầu, mứt me, mứt khóm… Chị Hiền – tiểu thương ở sạp 12 chào hàng: “Mứt dừa giá trung bình 100.000 đến 120.000/ kg tùy theo loại. Đắt nhất là mứt non giá 1kg là 120.000 đồng còn rẻ nhất là mứt dừa dây giá 50.000 đồng”. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, tất cả đều được cho vào những bịch nilon lớn không hề có nhãn mác, thương hiệu gì cả. Nghe chúng tôi thắc mắc, chị ta giải thích đây là hàng đặt tự làm thì làm sao có nhãn mác được, chỉ có hàng của công ty xí nghiệp mới cho vào bao bì. Tại chợ An Nhơn, ngoài những sạp bánh, mứt, kẹo cố định, gần sạp thịt giữa lối đi nhỏ có hai vợ chồng trải một tấm nilon rồi cho các loại mứt trong hai chiếc thau nhôm cũ kỹ đặt sát dưới đất. Tuy rất mất vệ sinh nhưng lâu lâu vẫn có vài người ghé mua vì giá rẻ và tiện lợi.
Khuất mắt nên không thấy
Lô hàng gần 3.000 hộp mứt Tết “bẩn” bị bắt giữ (ảnh công an cung cấp) Ngày 6-1-2016 Công an Q.Ba Đình, TP.Hà Nội đã bắt giữ gần 3.000 hộp mứt Tết giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng tại một nhà trọ ở P.Liễu Giai. Thủ đoạn của đối tượng Cao Văn Bằng (quê ở Nông Cống, Thanh Hóa) là mua các loại mứt, bánh trôi nổi sau đó đóng gói vào các bao bì đẹp mắt để đánh lừa người tiêu dùng nhằm thu lợi nhuận cao. Nếu không bị phát hiện thì người tiêu dùng không chỉ bị móc túi trắng trợn mà còn thiệt thòi về quyền lợi sức khỏe trong ba ngày Tết. |
Chị L. vốn có một chiếc xe đẩy bán trái cây ở chợ Bình Triệu nhưng vào những ngày cận Tết, chị “chuyển nghề” bằng cách mua nguyên vật liệu về để làm các loại bánh mứt thông dụng mà chủ yếu là mứt dừa, mứt me và vài loại bánh. Thời gian này, anh B. chồng chị cũng nghỉ chạy xe ôm để giúp vợ dồn sức vào “công nghệ” làm mứt. Theo tiết lộ của anh B., nếu các loại mứt khác tốn kém nhiều thì mứt dừa là mặt hàng dễ kiếm nguyên liệu nhất vì cứ “đặt hàng” với các tiệm cà phê, nước giải khát là một ngày có vài chục trái dừa giá rẻ hoặc đôi khi được cho không. Những trái dừa này thường được lưu lại vài ba ngày lại được sản xuất trong môi trường nhà trọ chật hẹp, thiếu nguồn nước nên không thể nào đảm bảo vệ sinh được. Thế nhưng không phải khách hàng nào cũng nhìn thấy rõ “công nghệ” làm bánh, mứt thủ công kém vệ sinh này.
Hiện nay, hầu hết các siêu thị lớn luôn có hàng rào kiểm soát chất lượng sản phẩm rất khắt khe tuy nhiên vẫn có trường hợp “con voi lọt qua lỗ kim”.
ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết, thời gian qua Ban chỉ đạo liên ngành TP.HCM đã ban hành và thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm cho Tết Nguyên đán Bính Thân và Lễ hội mùa xuân 2016. Theo BS Mai, Ban chỉ đạo tập trung thanh tra các mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết như: Bánh mứt, kẹo, thịt, cá, trứng, nước giải khát, rượu bia… và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. “Nên chọn mua những loại thực phẩm tại những nơi mà cơ quan Nhà nước đã kiểm soát như cửa hàng, siêu thị, quầy sạp chợ. Không mua thực phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc hoặc có nhãn mác nhưng thiếu những thông tin bắt buộc như địa chỉ, hạn sử dụng, thành phần, phụ gia…” – BS Mai khuyến cáo.
Quang Phan
Bình luận (0)