Hội thảo về ngôn ngữ học lâu nay không được tổ chức nhiều nên cuộc hội thảo do trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức hôm 20.12.2008 chính là cơ hội cho những người nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học cả nước công bố kết quả nghiên cứu của mình.
Đây cũng là dịp để trao đổi ý kiến, kinh nghiệm, thảo luận và kiến nghị về những vấn đề thực sự thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa – xã hội của đất nước. Các đại biểu đã tập trung thảo luận khá nhiều vấn đề, nhưng được quan tâm nhất vẫn là vấn đề rất cũ: dạy và học Tiếng Việt, nhất là trong trường phổ thông.
Báo cáo trước phiên toàn thể của hội thảo, Nhà giáo Ưu tú Trần Chút – Phó hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến (TP.HCM) khẳng định chúng ta thiếu chiến lược giáo dục Tiếng Việt trong trường phổ thông, thể hiện qua các việc: không có một tổ chức cùng những người đủ năng lực và trình độ mang tính chuyên nghiệp chăm lo nghiên cứu sâu về việc giảng dạy Tiếng Việt trong trường phổ thông; ứng xử với việc xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa (SGK) theo kiểu thời vụ. Đặc biệt, chương trình không được thiết kế xuyên suốt từ lớp đầu đến lớp cuối của bậc phổ thông mà bị cắt khúc, thiếu cái nhìn toàn cục đối với môn học.
GS-TS Cho Jae Hyun – trường ĐH Ngoại ngữ Hàn Quốc và PGS-TS Bùi Mạnh Hùng – trường ĐH Sư phạm TP.HCM nêu kinh nghiệm ở Hàn Quốc: từ năm 1995, quốc gia này bắt đầu xóa bỏ chính sách độc quyền về SGK bằng cách phân loại SGK: loại thứ nhất gồm các loại SGK cho bậc mầm non và tiểu học, sách Quốc ngữ (tiếng Hàn), Quốc sử, Đạo đức cho các lớp còn lại do Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực (MOEHRD) biên soạn; loại thứ hai gồm các môn học khác ở bậc THCS và THPT do các nhà xuất bản tư nhân biên soạn và được MOEHRD thẩm định; mỗi trường được quyền lựa chọn các bộ sách khác nhau đó để giảng dạy. Từ tháng 6.2007, chính sách này được "mở" hơn nữa khi các nhà xuất bản tư nhân được phép biên soạn cả các môn Quốc ngữ, Quốc sử và Đạo đức.
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, để nâng cao hơn nữa chất lượng SGK Ngữ văn cũng như huy động được nhiều nhà giáo và nhà khoa học tham gia viết SGK, các đại biểu dự hội thảo đề nghị có nhiều nhóm tác giả khác nhau biên soạn nhiều bộ SGK khác nhau. Phải dành cho việc rèn luyện năng lực Tiếng Việt vào vị thế quan trọng đặc biệt, xem việc rèn cho học sinh có các kỹ năng sử dụng thành thạo tiếng Việt là mục tiêu số một, có vai trò quyết định đối với việc xây dựng chương trình và thiết kế nội dung môn học trong SGK. Việc cung cấp những kiến thức lý thuyết về tiếng Việt chỉ nên dừng lại ở mức tối thiểu mà một người đạt trình độ học vấn phổ thông cần phải có, vừa đủ làm chỗ dựa khoa học cho việc rèn luyện các kỹ năng sử dụng tiếng Việt một cách có ý thức.
Về việc thiết kế và viết SGK, các đại biểu đề nghị cần viết nhiều bộ SGK khác nhau, cho nhà trường lựa chọn.
Nhựt Quang (TNO)
Bình luận (0)