Sự kiện giáo dụcTin tức

Nên có tổ chức độc lập kiểm định chất lượng giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Quốc hội thảo luận tại tổ. Ảnh: CHINHPHU.VN

(GD TP.HCM – Hà Nội): – Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Một điểm mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là quy định về kiểm định chất lượng giáo dục. Các đại biểu tán thành điểm mới này nhằm tăng tính giám sát chất lượng của giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, theo đại biểu Võ Thị Dễ (Long An), việc kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ GD-ĐT thực hiện thì chưa thật khách quan.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Ngô Minh Hồng đề nghị cần có tổ chức độc lập như tổ chức xã hội, doanh nghiệp hoặc hội cha mẹ học sinh tham gia kiểm định chất lượng và phải kiểm định cả công lập và dân lập chứ không chỉ riêng dân lập.
Một số đại biểu yêu cầu nên mở rộng chức năng kiểm định và bổ sung thêm quy định về nội dung, hình thức kiểm định chất lượng giáo dục và việc công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Đồng thời cần rà soát lại một số quy định để không xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo về quản lý và tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục giữa Bộ GD-ĐT và cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề trong Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề.
Ngoài ra, một số vấn đề khác về đào tạo tại chức, đào tạo liên thông, chương trình đào tạo, giáo viên thỉnh giảng, điều kiện thành lập trường đại học, điều kiện cơ sở vật chất cho các trường cũng được các đại biểu hết sức quan tâm.
Theo một số đại biểu, điều kiện thành lập trường đã “trúng” nhưng cần quy định cứng trong luật, cơ sở vật chất phải tương ứng với quy mô đào tạo của các trường. Ví dụ, bình quân diện tích trên một học sinh, sinh viên. Đối với các trường đại học thì cần quy định điều kiện phải có thư viện bởi đây là cấp học khác hẳn, không giống như đào tạo trung học, đòi hỏi có tính độc lập nghiên cứu, suy nghĩ.
Đại biểu Chu Văn Đạt (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định), cho rằng, dự thảo luật cần quy định chặt chẽ về điều kiện làm thạc sĩ, tiến sĩ, tránh tình trạng quá dễ dãi trong lĩnh vực đào tạo này.
Bộ GD-ĐT cần tính toán cơ cấu tỷ lệ học viên được làm tiến sĩ và thạc sĩ, việc làm tiến sĩ chỉ nên tập trung ở các trường đại học, viện nghiên cứu, bởi đây là nguồn lực dành cho nghiên cứu và nên hạn chế tại các doanh nghiệp, cơ quan.
Cũng liên quan tới đào tạo tiến sĩ, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (TP.HCM) cho rằng, việc kéo dài thời gian tối đa làm tiến sĩ thêm 4 năm như dự thảo luật là chưa hợp lý. 4 năm mà chưa bảo vệ xong luận án và cho phép làm thêm 4 năm nữa thì đây là “đúc” tiến sĩ chứ không phải là đào tạo, đại biểu này nói.
N.H

Bình luận (0)