Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nên công khai trường chưa đủ điều kiện giảng dạy

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 29.10, Bộ GD-ĐT đã  báo cáo với Chính phủ về tình hình giáo dục đại học (GDĐH) hiện nay.

Theo đó, bộ đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế đang tồn tại, trong đó yếu kém lớn nhất là về quản lý.
12 trường chưa đủ điều kiện giảng dạy
Bộ GD-ĐT thừa nhận trong tổng số các trường ĐH-CĐ được thành lập mới hoặc nâng cấp trong thời gian 5 năm gần đây thì có khoảng 20% trường ĐH, CĐ (12 trường) chưa thực hiện đầy đủ các cam kết trong Đề án khả thi thành lập trường và mở ngành tuyển sinh, chưa chuẩn bị đồng bộ 4 yếu tố về: đất đai xây dựng trường; đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác (chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị thí nghiệm…).
Cần công khai các thông tin về chất lượng ĐH-CĐ cho thí sinh có cơ sở
chọn trường – Ảnh: Đ.N.T
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: lãnh đạo Bộ chưa có chủ trương công bố tên các trường này vì các trường được kiểm tra ở những đợt khác nhau, vào thời điểm khác nhau. Khi phát hiện, Bộ đã có nhắc nhở kịp thời để trường chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. “Chúng tôi chưa bàn đến việc công bố hay không vì kết quả kiểm tra các trường không vào cùng một thời điểm. Có thể đến thời điểm này có trường đã khắc phục, việc công bố thông tin đó có thể đã lạc hậu… Sắp tới, khi thực hiện “ba công khai”, các trường sẽ phải tự công bố các điều kiện giảng dạy của trường mình. Lúc đó người học và xã hội sẽ biết thực tế việc thực hiện các cam kết đảm bảo chất lượng của các trường như thế nào”, ông Luận nói.
Cũng cần nói thêm, kết quả kiểm định chất lượng 20 trường ĐH tốp trên cũng đã có từ tháng 2.2009 nhưng đến nay theo chủ trương của lãnh đạo Bộ là chưa công bố. Nếu bất cứ kết quả kiểm định nào cũng chỉ làm cho biết và dừng lại “lưu hành nội bộ” thì bản chất của việc kiểm định nhằm bảo đảm chất lượng trở nên mất ý nghĩa.
Chưa quản lý được chất lượng ĐH
Bộ GD-ĐT thừa nhận: quản lý chất lượng giáo dục là khâu yếu nhất hiện nay, đang còn nhiều bất cập.
Bộ GD-ĐT cho rằng: Việc chịu trách nhiệm của cơ quan nhà nước về các trường ĐH-CĐ rất phân tán. Trong tổng số 376 ĐH, CĐ cả nước hiện nay, Bộ GD-ĐT quản lý 54 trường (14,4%), còn lại là do bộ, ngành khác và các địa phương quản lý. Trong thời gian qua lại chưa có sự “liên thông” giữa các cơ quan quản lý này.
Do đó xét về tổng thể Bộ GD-ĐT chưa thể trả lời được 3 câu hỏi: 1). Chất lượng đào tạo của các trường thế nào? 2). Các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo thế nào? 3). Hiệu quả đầu tư từ ngân sách cho các trường đại học, cao đẳng công lập thế nào?
GS Nguyễn Minh Thuyết – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Nếu không công khai thì đại biểu Quốc hội sẽ phải lên tiếng
Tôi cho rằng Bộ đã yêu cầu các trường phải thực hiện “3 công khai” thì Bộ cũng nên công khai tên các trường chưa đảm bảo các điều kiện nhưng đã đào tạo. Về thời gian kiểm tra, Bộ cũng nên công bố rõ thời điểm đó là thời điểm nào; chưa đạt những điều kiện gì. Thậm chí tốt nhất Bộ có thể kiểm tra lại, chỉ có 12 trường thì rất nhanh thôi, xem trường đó bây giờ trong tình trạng như thế nào, đã đảm bảo điều kiện đào tạo chưa.
Khi thông tin được công khai thì bản thân các trường bị công khai sẽ phải cố gắng thực hiện đầy đủ các cam kết về đào tạo và các trường khác còn đang chưa đủ điều kiện hoặc đang định thành lập cũng nhìn vào đó mà cố gắng để không bị nêu tên lên công luận.
Tôi cho rằng việc báo cáo đầy đủ thông tin với Quốc hội là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Nếu Bộ không thực hiện được việc kiểm tra chính xác và báo cáo công khai thì đại biểu Quốc hội sẽ phải lên tiếng và nếu cần thiết thì ủy ban chuyên trách của Quốc hội sẽ phải đặt vấn đề về giám sát để có ý kiến với Chính phủ, với Bộ GD-ĐT
.
Vũ Thơ (ghi)
Vũ Thơ (TNO)

Bình luận (0)