Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nên dành tỷ lệ cao nhất của ngân sách cho giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù lâu nay, giáo dục (GD) vẫn được coi là quốc sách hàng đầu, tuy nhiên, trên thực tế, GD chỉ đứng thứ 3 – “điện, đường, trường, trạm”. Theo đó, trong đợt góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này, phần lớn các ý kiến, đặc biệt là ý kiến của đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên trong ngành GD đều cho rằng nên bổ sung thêm cụm từ: “Dành tỷ lệ cao nhất của ngân sách đầu tư cho GD”…
Tại Trường THPT chuyên Năng khiếu Thể dục Thể thao TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng chương III (Kinh tế, xã hội, văn hóa, GD, khoa học, công nghệ và môi trường), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định phát triển GD-ĐT, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, điều 66 khoản 3 cần bổ sung thêm cụm từ: “Miễn phí toàn bộ trong quá trình học tập”, điều 67 khoản 3 bổ sung: “Nhà nước đầu tư và tài trợ cho nghiên cứu khoa học bằng nhiều nguồn vốn khác nhau”.
Ở điều 65, chương III, nhiều GV ở Q.3 cho rằng nên bổ sung thêm: “Dành tỷ lệ cao nhất của ngân sách đầu tư cho GD”, lý do bổ sung để cụ thể hơn ý phát triển GD. Ở điều 66, khoản 1 bổ sung hai từ “yêu nghề” – Phát triển GD nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo người lao động có nghề, yêu nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Lý do bổ sung: Một bộ phận công dân sau khi được đầu tư đào tạo, tốn nhiều thời gian và tiền bạc  nhưng không yêu nghề, không hết lòng với nghề, chưa làm tròn trách nhiệm. Cũng tại khoản 1 điều 66 này, có ý kiến nên bỏ hai từ “nhân cách”, lý do tránh lặp lại vì phẩm chất và năng lực là nội hàm của nhân cách. Bên cạnh đó bổ sung thêm “khuyến khích và trọng dụng nhân tài” trước cụm từ “bồi dưỡng nhân tài”, lý do: Thể hiện rõ hơn sự phát triển GD qua việc đào tạo và sử dụng nhân tài. Đặc biệt, có GV góp ý nên bổ sung: “Mọi người lao động ở các ngành nghề phải qua đào tạo của cơ sở có chức năng cấp giấy chứng nhận trước khi làm việc. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm toàn bộ hệ thống đào tạo các ngành nghề” sau từ “… hội nhập quốc tế”.
Ở khoản 2, điều 66 nên thay cụm từ “ưu tiên đầu tư” bằng “đầu tư cho GD là đầu tư cho phát triển” – Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống GD quốc dân, đầu tư cho GD là đầu tư phát triển và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác… Song song đó cần nêu cụ thể phổ cập GD ở cấp tiểu học, THCS hay THPT. Lý do, Hiếp pháp cũ quy định cụ thể phổ cập GD THCS còn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không nêu.
Khoản 3, điều 66 bổ sung cụm từ “xây dựng xã hội học tập”, “người dân tộc thiểu số, người dân hải đảo” – Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng, xây dựng xã hội học tập. Người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người dân hải đảo và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa và học nghề phù hợp. Lý do bổ sung: Đa số người dân tộc thiểu số, nhất là miền núi và người dân hải đảo có hoàn cảnh sống và học tập rất thiếu thốn. Nếu được Nhà nước đặc biệt quan tâm, họ chính là nguồn lực để phục vụ cho công cuộc xây dựng kinh tế miền núi và hải đảo.
Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)