Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nên đặt chuẩn đầu vào cho thí sinh ngành sư phạm?

Tạp Chí Giáo Dục

Vài năm qua, điểm đầu vào các trường sư phạm trong cả nước mỗi năm đều đặn giảm. Thậm chí có ngành sư phạm của nhiều trường điểm đầu vào chỉ có 13-14 điểm. Nhiều chuyên gia GD lo ngại với mức điểm đầu vào như vậy liệu chất lượng người thầy tương lai sẽ ra sao?
Mỗi năm tụt vài điểm
Mấy năm gần đây điểm chuẩn đầu vào ngày càng đi xuống. Điển hình như trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, một trong những trường sư phạm hàng đầu của cả nước điểm chuẩn đầu vào mỗi ngành năm sau lại tụt đi từ 1 đến 5 điểm so với năm tuyển sinh trước. Điểm chuẩn NV1 ngành sư phạm Toán học năm 2007 là 22 điểm, năm 2010 là 21 điểm, năm nay chỉ còn 20 điểm. Thê thảm hơn nữa là ngành sư phạm Sinh học, năm 2007 điểm tuyển NV1 là 24 điểm, năm 2010 chỉ còn 16,5 điểm. Ngành sư phạm Tin học cũng trong tình trạng tương tự từ 21,5 điểm chuẩn năm 2007 đến năm nay chỉ còn 15 điểm.
Thi vào ĐH Sư phạm không còn là mơ ước như một thuở của nhiều người. Ảnh minh họa
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các trường sư phạm tổ chức mới đây, PGS.TS Hoàng Văn Cẩn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bức xúc: "Không thể chấp nhận chuyện tuyển sinh vào ngành sư phạm mà chỉ đạt điểm sàn 13-15 điểm. Một học sinh chưa đạt tới 5 điểm môn văn thì liệu có thể học nổi và trở thành giáo viên dạy văn?".
Các trường top đầu chất lượng đầu vào còn sụt giảm nhìn sang các trường sư phạm ở các tỉnh, khu vực tình hình còn "mất giá" hơn rất nhiều. Như trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, đóng tại Vĩnh Phúc nếu như năm 2007 điểm đầu vào cho các ngành sư phạm đều là trên 20 điểm thì đến năm nay hầu hết ngành sư phạm  điểm chuẩn chỉ dao động từ 13,5 đến 17,5. Như sư phạm Toán học của trường điểm xét tuyển NV1 là 15,5, sư phạm Vật lý là 13,5, sư phạm Ngữ văn đầu vào cao nhất trong tất cả các khoa cũng chỉ là 17,5.
PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tâm sự: "Mình có cô con gái, cũng vì yêu nghề và vì truyền thống gia đình nhiều đời làm nghề giáo nên đã thuyết phục con vào học sư phạm. Tuy nhiên, cháu vẫn nói nghề của ba mẹ vất vả mà nghèo quá. Học xong năm thứ nhất, cháu khăng khăng đòi thi lại đại học để vào làm ngành y như các cậu, các bác. Cháu bảo dù ngành y cũng rất vất vả nhưng con thấy cả xã hội ai cũng trọng vọng thực sự và thu nhập cao hơn ba mẹ rất nhiều lần".
Chị Nguyễn Mỹ Linh, nhân viên kế toán chia sẻ: "Cách đây gần chục năm muốn đỗ sư phạm thế hệ chúng tôi thường phải là những người học rất khá. Thi cũng phải từ 21 điểm trở lên mới "mơ" chạm chân vào trường sư phạm. Nay nhìn điểm đầu vào các trường "bèo" vậy không hiểu với những người thi 3 môn khối A được 15 điểm sau khi vào học làm cách nào các trường có thể "nâng đầu" họ được. Sau này họ dạy đến mấy chục thế hệ học sinh liệu chất lượng sẽ đến đâu?".
Có nên đặt chuẩn đầu vào cho ngành sư phạm?
PGS. TS Đỗ Minh Cương, cán bộ Vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung uơng, kiêm Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa doanh nghiệp và lãnh đạo tổ chức, ĐHQG Hà Nội cho biết: "Trường sư phạm có một vị trí, vai trò quan trọng trong giáo dục phổ thông. Giáo dục phổ thông tốt hay không là một phần chất lượng đào tạo ở môi trường sư phạm. Không những vậy họ cũng chính là người "xây" kiến thức nền cho nguồn nhân lực đất nước. Tất nhiên điểm đầu vào thấp thì không thể bằng chất lượng với điểm đầu vào cao".
PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: "Trong khoa học, việc đánh giá điểm số luôn có liên quan đến thành tích học tập của người học. Điểm số một bài kiểm tra thấp hay cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng có 2 yếu tố trực tiếp không thể không bàn đến đó là năng lực làm bài của thí sinh và năng lực ra đề của người ra đề. Thí sinh học không tốt thì khó đạt điểm cao, điều này dễ nhận thấy. Tuy nhiên có nhiều trường hợp đề ra khó, hoặc đề ra đánh đố thì số học sinh đạt điểm cao và mức độ một học sinh đạt được mức điểm cao chắc chắn cũng sẽ giảm.
Những năm gần đây đầu vào ngành sư phạm có thấp hơn so với nhiều ngành khác. Điều này cũng nói lên một thực tế là nhiều học sinh có năng lực học tập tốt không chọn ngành sư phạm. Sự không hấp dẫn này nằm ở nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi, nguyên nhân cơ bản là yêu cầu xã hội đặt ra  đối với một nhà giáo chưa tương xứng với những gì mà họ được nhận (lương bổng quá thấp tột bậc lương của nhà giáo cao cấp chỉ là 5,6 triệu/tháng – các ưu đãi xã hội hầu như không có)".
Theo một chuyên gia giáo dục thì cách làm của trường ĐH Quốc gia Hà Nội khi họ có mức điểm chuẩn chung của ĐH Quốc gia là 17 điểm. Tất cả các trường trong hệ thống Đại học Quốc gia đều phải lấy đây là căn cứ để xem xét điểm tuyển sinh. Nên chăng ngành sư phạm cũng nên có một chuẩn chung cho ngành sư phạm cả nước tránh tình trạng 14, 15 điểm cũng có cơ hội làm giáo viên như hiện nay.
PGS. TS Đỗ Minh Cương cho rằng, về lâu dài thì giải pháp hút người tài cho ngành sư phạm vẫn phải là ở chiến lược, chính sách đào tạo, phát triển của ngành. Các trường cần phải dựa trên nguyên tắc lấy người học làm trung tâm và đào tạo coi trọng chất lượng và theo nhu cầu phát triển lâu dài của xã hội. Cần tăng cường nghiên cứu – triển khai việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra sự hấp dẫn của ngành học trước xã hội.
Theo Đỗ Thơm
(Nguoiduatin.vn) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)