Hiện nay, hầu hết học sinh từ tiểu học trở lên đều có thể chụp ảnh bằng điện thoại hoặc bằng máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên, nhiều em chỉ thao tác đơn giản để có một bức ảnh chứ không hiểu rõ về kỹ thuật, một số nguyên tắc và cách thức để có bức ảnh đẹp…
Do đó, trong chương trình học ở nhà trường, các em nên được dạy lý thuyết và học thực hành về chụp ảnh, bởi qua đây có thể giúp nâng cao kỹ năng về chụp ảnh nói riêng và sự cảm thụ về mỹ thuật nói chung.
Ảnh chụp (photograph) là một dạng hình ảnh được tạo ra bằng cách ghi lại ánh sáng từ môi trường xung quanh qua các thiết bị quang học, thường là máy ảnh. Theo đó, ảnh chụp là một bản sao hình ảnh của một cảnh vật, đối tượng hoặc sự kiện, được ghi lại bởi một thiết bị ghi hình (máy ảnh) thông qua một cảm biến hoặc phim. Ảnh có một số đặc điểm nổi bật như tính chính xác (ảnh chụp thường được xem là bản sao chính xác của những gì đã được nhìn thấy trong khoảnh khắc đó), tính đối tượng (ảnh có thể mang tính khách quan hoặc chủ quan tùy thuộc vào cách mà người chụp lựa chọn góc độ, ánh sáng và các yếu tố khác)… Ảnh chụp có nhiều ý nghĩa trên thực tế. Chẳng hạn, ảnh có thể lưu giữ những khoảnh khắc cụ thể trong thời gian, cho phép người xem nhớ lại và trải nghiệm lại các sự kiện. Hay ảnh có thể truyền đạt thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn văn bản, làm rõ các chi tiết mà lời nói khó diễn tả. Ngoài ra, ảnh còn có thể gợi lên cảm xúc mạnh mẽ, từ niềm vui đến nỗi buồn và có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và nhận thức của người xem.
Nhiều năm qua, người ta đã ứng dụng ảnh chụp và nhiều hoạt động trong đời sống thực tiễn. Thí dụ, trong nghệ thuật, ảnh chụp được sử dụng để thể hiện ý tưởng sáng tạo, phong cách cá nhân và phản ánh văn hóa xã hội. Hay ảnh là công cụ quan trọng trong truyền thông và quảng cáo, giúp thu hút sự chú ý và truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả. Ảnh cũng thường được sử dụng trong các tài liệu, báo cáo và lưu trữ lịch sử để ghi lại và bảo tồn thông tin… Một bức ảnh hay, đẹp, có chứa đựng nhiều thông tin luôn có thể tác động đến người xem. Chẳng hạn, ảnh có thể gợi ra cảm xúc mạnh mẽ và ảnh hưởng đến tâm lý người tiếp cận; các yếu tố như màu sắc, ánh sáng và bố cục có thể tạo ra hiệu ứng cảm xúc cụ thể. Hình ảnh có ảnh hưởng đến cách mà người xem nhận thức và phản ứng với thông tin, từ việc tạo ra sự chú ý đến việc hình thành thái độ và quyết định. Ảnh còn có thể cung cấp thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn so với văn bản, đặc biệt là trong các tình huống cần truyền đạt thông tin phức tạp hoặc khẩn cấp. Trong nhiều trường hợp, các hình ảnh như sơ đồ kỹ thuật, mô hình 3D, hình bản đồ, đồ họa và hướng dẫn hình ảnh giúp giải thích các khái niệm hoặc quy trình phức tạp mà văn bản có thể khó diễn tả. Như khi mô tả đóng góp của một hệ sinh thái tự nhiên có thể diễn giải bằng lời rất nhiều, nhưng nếu dùng hình ảnh một hệ sinh thái trong thực tiễn với ao hồ, cây xanh… thì học sinh có thể cảm nhận được một cách dễ dàng việc ao hồ tạo nơi cư trú cho một số loại thủy sinh và lưỡng cư, từ đó làm thức ăn cho một số loài chim, thú sống ở thảm cây xanh quanh đó, cây xanh lại thu hút côn trùng làm thức ăn cho một số loài chim, cá và lưỡng cư… Bên cạnh đó, ảnh còn tạo kết nối và tương tác một cách tích cực. Bởi hình ảnh có thể giúp cá nhân hóa thông tin, tạo ra kết nối cảm xúc với người xem. Ví dụ, hình ảnh trong bài viết trên mạng xã hội có thể tạo ra cảm giác thân thiết và gần gũi hơn giữa các cá nhân. Hay hình ảnh động, video có thể khuyến khích người xem tham gia và tương tác với nội dung, làm cho thông tin trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Hình ảnh còn giúp người xem kết nối với các trải nghiệm và cảm xúc cá nhân của mình. Ví dụ, hình ảnh về gia đình có thể tạo ra cảm giác kết nối với những ký ức gia đình riêng của người xem. Từ đó tạo ra sự đồng cảm và thấu hiểu từ người xem. Hình ảnh cũng giúp hình thành nhận thức chung và hiểu biết về các vấn đề xã hội, văn hóa, chính trị… Ví dụ, hình ảnh về biến đổi khí hậu có thể tăng cường nhận thức và thúc đẩy hành động; đối với học sinh có thể bắt đầu từ những hành động rất nhỏ như sử dụng nước tiết kiệm, bỏ rác đúng nơi, hình thành thói quen sử dụng năng lượng hiệu quả…
Đặc biệt, ảnh nghệ thuật hoặc thiết kế sáng tạo có thể kích thích trí tưởng tượng và sự sáng tạo của người xem. Ví dụ, xem một bức ảnh về các tháp Chăm ở miền Trung và các tài liệu liên quan có thể khơi gợi học sinh khao khát muốn đến đó để tìm hiểu, khám phá cũng như thúc đẩy nhu cầu tìm hiểu về ý nghĩa, giá trị của các công trình này. Đương nhiên không thể bỏ qua chức năng thẩm mỹ. Ảnh đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật và thiết kế bởi có thể tạo ra cảm giác thẩm mỹ thông qua các yếu tố như màu sắc, hình dạng và ánh sáng. Thí dụ, một bức ảnh với sự phối hợp màu sắc hài hòa có thể làm người xem cảm thấy dễ chịu và vui vẻ. Đối với học sinh, các yếu tố nghệ thuật trong thiết kế hình ảnh góp phần tạo nên vẻ đẹp và sự tinh tế, từ đó có thể truyền cảm hứng cho sự sáng tạo và đổi mới, khuyến khích các em khám phá và trải nghiệm các ý tưởng và phong cách mới…
Như vậy, với những ý nghĩa đó, học sinh cần được quan tâm dạy chụp ảnh trong chương trình môn học về mỹ thuật hoặc các hoạt động ngoại khóa, với những người dạy có kinh nghiệm trong hoạt động nhiếp ảnh. Nếu không sắp xếp đầy đủ trong chương trình hoặc không đủ chi phí để tổ chức trọn vẹn, khi nhà trường thực sự đầu tư cho hoạt động này thì chắc hẳn phụ huynh sẽ cùng đóng góp, bởi việc học này thực sự cần thiết. Với sự kết hợp hợp lý giữa học lý thuyết và thực hành, học sinh sẽ nắm bắt được một cách cơ bản về kỹ thuật chụp như luật đường mạnh điểm mạnh (luật 1/3), luật dẫn mắt, quy tắc về ánh sáng, về cân bằng màu sắc, chiều sâu ảnh trường, khoảng trống, độ sắc nét, độ phơi sáng… Học sinh cũng sẽ hiểu thêm về kỹ thuật sử dụng máy ảnh hoặc điện thoại, như nguyên lý của việc tạo ra bức ảnh, các chế độ chụp và các thao tác chỉnh sửa. Từ đó học sinh sẽ chụp ảnh đẹp hơn, có ý nghĩa hơn cũng như khơi gợi tình yêu nhiếp ảnh của các em sâu sắc hơn. Không chỉ vậy, qua việc học chụp ảnh, học sinh có thể nâng cao quan niệm thẩm mỹ để cảm thụ các tác phẩm nghệ thuật khác sâu sắc hơn, nhất là với phim, hội họa, điêu khắc…, từ đó hình thành nhận thức thẩm mỹ một cách phù hợp cũng như có thể tác động đến hoạt động sáng tạo nghệ thuật của các em. Và từ đây, học sinh cũng sẽ hiểu thêm về vấn đề pháp luật và đạo đức liên quan đến hình ảnh. Đó là việc chụp ảnh người khác mà không có sự cho phép có thể gây ra vấn đề về quyền riêng tư và đạo đức theo quy định của pháp luật. Hay sở hữu ảnh và quyền sử dụng ảnh chụp liên quan đến bản quyền và một số vấn đề khác mà học sinh cần phải nắm vững trong tham gia các hoạt động, nhất là sử dụng mạng xã hội, cũng như đó hình thành ý thức tích cực về việc này.
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)