Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nên để ngành giáo dục tuyển giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Thay đổi về chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) được Bộ GD-ĐT coi là một trong hai giải pháp chiến lược cho giai đoạn phát triển GD tới. Nhưng những điều chỉnh mang tính đơn lẻ (trong chiến lược) liệu có làm thay đổi chất lượng đội ngũ GV hiện nay?
Trao đổi với chúng tôi, PGS Phạm Viết Vượng (ảnh), nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết:
– Chất lượng GV hiện nay còn quá nhiều bất cập với thực tế. Một bộ phận lớn GV yếu về kiến thức chuyên môn, phương pháp sư phạm và cả thái độ phục vụ với nghề. Tình trạng trì trệ, ngại đổi mới còn phổ biến. GV nơi thừa nơi thiếu, bậc học này thừa, bậc học kia thiếu… Đó là do cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ, do thiếu một đòn bẩy để tạo động lực cho GV cọ xát, cạnh tranh và vươn lên. Nhiều thế hệ GV tồn tại tình trạng này và muốn giải quyết cần có những giải pháp mạnh, đi kèm theo là thay đổi về quan niệm quản lý, về cơ chế.
Nâng cao chất lượng GV phổ thông chính là yếu tố quan trọng bậc nhất nâng cao chất lượng giáo dục bậc học này. Trong ảnh: Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), một trường có chất lượng giáo dục cao – Ảnh tư liệu
* Dự kiến phương thức tuyển dụng GV theo diện hợp đồng thay cho tuyển vào biên chế, theo ông, liệu có phải là giải pháp tạo động lực cho GV thay đổi về chất?
– Lâu nay các nhà quản lý GD chỉ quản lý chuyên môn, trong khi hai yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng GD là con người và tài chính không phải ngành GD nắm giữ. Việc tuyển người lẽ ra nên giao cho ngành GD để tuyển cho đúng người, đúng việc thì lại đưa về sở nội vụ lo. GV được tuyển vào biên chế thì làm việc cho đến khi nghỉ hưu, vài năm tăng lương một bậc, cơ chế cào bằng tạo nên sự trì trệ. Những bất cập trên phải thay đổi.
Việc điều chỉnh cách thức tuyển dụng GV tôi nghĩ là cần thiết. Nhưng khi chuyển từ cách vận hành này sang cách vận hành khác phải thận trọng. Không thể lấy xích xe máy móc vào chiếc xe đạp mà mong chiếc xe chạy tốt, dù cho xích xe máy tốt đến cỡ nào.
Tôi cho rằng cùng với việc đổi mới cách tuyển dụng với GV mới từ năm 2009, phải xác định rõ ai là người chịu trách nhiệm tuyển, ai trả lương cho GV? Nếu vội vã triển khai sẽ dẫn đến những vấn đề bất ổn: quyền lực được trao cho hiệu trưởng, trong khi ở trường công lương GV vẫn do ngân sách chi. Tình trạng tiêu cực chắc chắn sẽ có. Vấn đề tuyển dụng GV nên trả cho ngành GD làm.
Tiến tới hiệu trưởng có thể chủ động trả lương GV theo cơ chế khuyến khích người tài, người có cống hiến tốt, trả lương theo vị trí công việc. Nói chung cơ chế mới cần được nghiên cứu kỹ, có thử nghiệm chứ không phải cứ tổ chức một hai hội thảo, lấy một số ý kiến rồi cứ thế thực hiện.
* Để tạo động lực cho GV cạnh tranh lành mạnh, luôn vươn lên, một trong những giải pháp được nhắc đến là đánh giá GV qua nhiều kênh, trong đó có kênh học sinh đánh giá GV. Theo ông, việc này có thật sự tác dụng tích cực?
– Tôi cho rằng nên làm. Tùy theo yêu cầu đối với GV ở các địa phương khác nhau, có thể xây dựng các bộ câu hỏi phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng học sinh. Việc xử lý kết quả đánh giá của học sinh với thầy giáo phải khách quan, trên cơ sở kết hợp các kênh đánh giá khác để đi đến kết luận, góp ý riêng với các thầy cô giáo nhằm nhắc nhở, điều chỉnh hoạt động. Có thể xử lý nặng hơn với những GV được xác định rõ có sai phạm, yếu kém. Nhưng phải thận trọng, tránh gây áp lực cho các thầy, cô giáo.
* Khi các trường phổ thông kêu gọi đổi mới thì ở các lò đào tạo sư phạm việc này vẫn tĩnh lặng. Theo ông, bài toán GV phổ thông cần giải quyết như thế nào nhìn từ các trường sư phạm?
– Dạy học là một nghề phải chuyên nghiệp hóa. Vì thế, từ khi còn ở viện nghiên cứu sư phạm tôi đã đặt ra việc nên thay đổi quy trình đào tạo GV. Các trường sư phạm sẽ tuyển sinh viên tốt nghiệp ĐH ở các chuyên ngành để đào tạo thêm hai năm về thực hành sư phạm, phương pháp dạy học. Theo đó, các trường sư phạm sẽ phải đi đầu trong việc nghiên cứu, triển khai các phương pháp dạy học tích cực, hiệu quả, gắn với yêu cầu của chương trình phổ thông.
Nói một cách khác là trường sư phạm nhằm đào tạo năng lực GV chứ không phải đào tạo người có kiến thức chuyên ngành chung chung. Có một điều vô lý là hiện nay khi GV phổ thông chịu sự “bồi dưỡng” của nhiều nguồn: Bộ GD-ĐT, các dự án trong ngoài nước thì các trường sư phạm – nơi đào tạo ra họ lại không tham dự. Thực tế từ các nguồn trên, GV đổi mới phương pháp, bồi dưỡng nghiệp vụ theo một cách, trường sư phạm dạy theo cách riêng. Việc này cần phải thay đổi.
Giải quyết vấn đề bất cập ở các trường sư phạm là vấn đề mang tính gốc rễ, phải làm ngay bây giờ. Song song với đó là thay đổi về quản lý GD.
TRỊNH VĨNH HÀ (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)