Những vụ hành hung giáo viên liên tiếp trong thời gian gần đây làm dấy lên lo ngại tình trạng học sinh, sinh viên sa sút về đạo đức. Tuy nhiên, nhà trường cũng cần thay đổi cách dạy, cách thi mới mong giải quyết được tình trạng này.
Nhà trường cũng cần đổi mới cách dạy, cách thi, góp phần giảm thiểu xung đột giữa sinh viên với giảng viên. Ảnh: Hồng Vĩnh
|
Thực tế cho thấy có học sinh, sinh viên luời nhác học tập, thường gạ gẫm thầy cô chốt nội dung, cho biết trước đề khi thi hết học phần, thi tốt nghiệp, năn nỉ, xin xỏ thầy cô cho đủ điểm khi chấm, khi bị thi lại lần hai, lần ba.
Khi không được thì đâm ra oán trách, tìm cách trả đũa (như sinh viên Trần Quốc Hiệp, lớp Xây dựng 3, khóa 11, ĐH Duy Tân, Đà Nẵng) khủng bố thầy Phạm Huy Thông bằng tin nhắn; bằng cả thau a xít và con dao thủ sẵn trong tay (vụ sinh viên Trần XuânThanh, ĐH Nông Lâm TP HCM hành xử với thầy giáo Đặng Hữu Dũng, dạy tiếng Anh).
Thậm chí, có sinh viên còn biết dùng tiền, dùng tình để mua điểm của thầy như hàng hóa ngoài chợ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến chuyện ấy, và ngày càng gia tăng, phức tạp, là do các cán bộ quản lý trường đại học, các khoa chưa chú trọng đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá theo hướng bài bản, khoa học, khách quan, chưa lường hết được những tiêu cực đang nảy sinh giữa thầy và trò.
Lâu nay, vẫn tồn tại một quy trình khép kín: thầy dạy – thầy ra đề – thầy chấm – thầy lên điểm. Thi hết học phần, hết môn, thi tốt nghiệp, đều thế cả. Mỗi giảng viên đại học, cao đẳng của ta vừa là người đá bóng vừa là người thổi còi. Tốt chưa thấy đâu, chỉ toàn lộ ra những chuyện tiêu cực, ngờ vực, rất nguy hiểm.
Đã đến lúc cách thức tổ chức thi hết học phần ở tất cả các trường đại học cần thay đổi, cải tiến theo hướng khách quan, độc lập ở từng khâu, từng công đoạn. Một môn học, thầy này dạy, nhưng thầy khác ra đề. Việc chỉ định thầy ra đề, chỉ có lãnh đạo khoa, trưởng bộ môn biết.
Xung đột giữa sinh viên và giáo viên được xem là có phần bắt nguồn từ cách dạy, thi chưa hợp lý. Ảnh: Hồng Vĩnh
|
Kể cả chấm bài cũng nên để người khác chấm. Mỗi bài của sinh viên, ít nhất phải có hai giảng viên chấm để bảo đảm tính khách quan, chính xác, tin cậy hơn.
Cách làm cần công khai trước sinh viên, tôn trọng sinh viên. Sinh viên nào có thắc mắc, khiếu nại gì về bài thi thì làm đơn phúc khảo, đem bài ra chấm lại công khai trước tập thể, hội đồng. Thầy cô nào chấm không đúng, chấm thiếu, cần điều chỉnh điểm ngay cho sinh viên và có biện pháp chấn chỉnh thầy cô giáo đó.
Kể cả các môn học có nhiều học phần, liên tiếp từ năm này qua năm khác, chủ nhiệm khoa, phòng đào tạo cần thay đổi nhiều người dạy, không để một người dạy mãi.
Sinh viên được thoải mái về tâm lý hơn, không có ấn tượng chủ quan bị thầy đó chiếu tướng mình. Nếu thầy cô có ý định trù dập, tiêu diệt một hay nhiều sinh viên nào đó thì cũng ít có điều kiện, cơ hội để thực hiện hơn.
Chúng tôi thiết nghĩ, các trường đại học, cao đẳng cải tiến, đổi mới được cách thi cử, đánh giá hết học phần, hết môn như đã trình bày ở trên thì sẽ giảm thiểu được nhiều tiêu cực, phức tạp trong quan hệ giữa thầy cô và sinh viên vốn âm ỉ từ lâu, góp phần tạo nên môi trường đại học trong lành, tốt đẹp, tin cậy hơn.
Ở phạm vi bài kiểm tra một tiết trở lên, một số trường phổ thông cũng làm tương tự như thi tốt nghiệp. Giáo viên ra đề không biết là ai, không dạy khối, lớp đó. Tổ chức thi chung cho toàn khối, xếp phòng, đánh số báo danh như kỳ thi quốc gia. Có bộ phận cắt phách, rồi mới giao cho giáo viên chấm, lên điểm vào tờ ghi tên ghi điểm, trước khi đưa về lớp.
Việc tổ chức kiểm tra vừa để chống việc giáo viên chạy theo bệnh thành tích, có biểu hiện trù dập, chèn ép học sinh về điểm số, về dạy học thêm ở nhà, vừa tạo nên sự yên tâm, công bằng, khách quan cho mọi học sinh.
Nhìn chung, học sinh, phụ huynh rất đồng tình, ủng hộ cách làm như vậy. Số trường làm được điều đó chưa phải nhiều. Chủ yếu thầy cô giáo giảng dạy, tự ra đề, tự chấm, tự vào điểm.
Đỗ Tấn Ngọc (TPO)
Bình luận (0)