Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nên đưa chiến tranh biên giới vào SGK từ tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT có chủ trương đưa chiến tranh biên giới, biển đảo vào chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) với dung lượng hợp lý hơn SGK hiện hành. Tuy nhiên, mức độ đến đâu, dung lượng thế nào vẫn còn đang được bộ “bí mật” do CT tổng thể, CT bộ môn vẫn chưa được công bố.

Một giờ học sử của HS THPT tại TP.HCM. Ảnh: A.K

Liên quan đến vấn đề lịch sử chiến tranh biên giới, hải đảo, PGS. Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Hiện nay trong CT môn lịch sử phổ thông, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam của Trung Quốc (năm 1979) và chiến tranh biên giới Tây Nam đã có. Cụ thể, ở bậc THCS, trong SGK Lịch sử lớp 9, bài 32 với tên gọi “Xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc” có một phần nói về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và một phần nói về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Thực chất đó là nói về cuộc chiến tháng 2-1979. Nhưng theo tôi, hạn chế của nội dung này là CT-SGK nói còn đơn giản. Hay nói cách khác là thông tin chưa hết, chưa đầy đủ, không thỏa mãn không chỉ người đọc, người học mà chưa thỏa mãn kể cả người viết. Tuy nhiên, nguyên nhân của nó thì có nhiều lý do khác nhau và những người viết SGK như chúng tôi phải chấp nhận.

PV: Vậy theo ông, thời gian tới, SGK sẽ phải định hướng như thế nào?

PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Thứ nhất, trước hết, xác định lại vai trò, vị trí của môn lịch sử cũng như vị trí vai trò của công cuộc bảo vệ biên giới phía Bắc. Tôi nghĩ, chúng ta không nên né tránh, thể hiện sự công bằng trong lịch sử và phải nói rõ sự thật lịch sử diễn ra như thế nào. Muốn vậy, phải có mô tả để nhằm mục đích giáo dục tinh thần yêu nước. Vì theo tôi, đây là sự kiện để cho các thế hệ hiện đại khắc cốt ghi tâm vào trong con người mình để tưởng nhớ những người đã anh dũng ngã xuống bảo vệ mảnh đất thiêng liêng ở vùng biên giới cũng như đề cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Vậy theo ông, dung lượng đưa như thế nào là hợp lý?

Việc bổ sung thế nào phải phụ thuộc vào CT tổng thể cũng như CT của các bộ môn. Mặc dù vậy, bộ cũng đã bắt đầu đưa ra những dự kiến về CT bộ môn này.

Đối với cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam của Trung Quốc, chúng tôi sẽ cố gắng đưa vào đầy đủ nhất những nội dung về cuộc chiến tranh để các thế hệ sau hiểu được một cách chân thực nhất.

Chúng ta nên bắt đầu từ cấp học nào, thưa ông?

Theo quy định chung, thì có thể chuyển phần nội dung của tiểu học từ thông sử sang hình thức kể chuyện. Vậy sẽ kể chuyện gì? Thứ nhất có thể kể các địa danh, nói rõ vùng biên giới hoặc những địa danh đã có trận chiến xảy ra như các vùng của Lạng Sơn, Vị Xuyên. Cùng với đó là những câu chuyện về những người anh hùng, những người chiến sĩ đã dũng cảm đấu tranh, đã hy sinh ra sao trong cuộc chiến. Ví dụ, gương Thiếu úy Nguyễn Văn Hiền đã dũng cảm chiến đấu, đẩy lùi 15 đợt tấn công và một mình với biển người của kẻ thù để bảo vệ 12 đồng đội của mình…

Đến cấp THCS, sẽ yêu cầu cao hơn, nghĩa là phải bổ sung đầy đủ thông tin hơn, kể về sự kiện, phân tích ý nghĩa, đưa sử liệu vào để học sinh hình dung đầy đủ hơn về cuộc chiến tranh. Đồng thời, phát triển năng lực tư duy của học sinh bằng những câu hỏi liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam của Trung Quốc rồi cho các em so sánh với những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước khác của cha ông ta trước đó… Vì chiến thắng biên giới cũng là một phần của lịch sử.

Cấp THPT, có thể xây dựng thành những chuyên đề, chủ đề riêng về các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, trong đó có cuộc chiến này. Ở cấp học này cũng cần phải cho học sinh biết được thế lực thù địch đã tuyên truyền xuyên tạc như thế nào về cuộc chiến để học sinh bày tỏ quan điểm, phản bác lại dựa trên những bằng chứng, nhân chứng lịch sử ở trong nước.

Mặt khác, những sự kiện lớn còn thiếu vắng trong SGK lịch sử hiện nay, theo tôi, ngoài cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam của Trung Quốc còn có cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, những vấn đề liên quan đến quá trình gìn giữ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhất là trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Nghiêm Huê (thực hiện)

Bình luận (0)