Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nên đưa gì vào sách giáo khoa ngữ văn mới?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhiều giáo viên, SGK ngữ văn mới phải có hệ thống bài học hợp lý, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Anh Khôi

Trước lộ trình thay đổi chương trình, sách giáo khoa (SGK) THPT từ 2018, chúng tôi xin mạo muội có vài góp ý sau:

Cần xác định lại mục đích học ngữ văn

Trước khi lựa chọn nội dung cần thiết để đưa vào SGK ngữ văn THPT, thiết nghĩ phải xác định lại mục đích của việc học bộ môn này. Ngoài những mục đích không kém phần quan trọng, thì môn ngữ văn có hai mục đích chính sau đây. Đó là, nó bồi dưỡng tâm hồn người học, đem đến cho họ một vốn sống xã hội, một thế giới cảm xúc để giao cảm với cuộc sống. Làm cho người học có một lối sống, một nhân sinh quan giàu chất nhân văn, nhân bản hơn. Thứ hai, học văn là rèn luyện cho người học những kỹ năng, đem đến cho họ những công cụ hỗ trợ hữu ích để ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Cho nên, bản chất môn ngữ văn vừa là bộ môn có tính giáo huấn về đạo đức nhân bản, nhân văn của con người, vừa là bộ môn có tính ứng dụng xã hội. Khác với môn lịch sử là giáo dục sự tự hào, tinh thần dân tộc; môn công dân là giáo dục về ý thức chính trị, về quyền công dân… Bản chất ấy có ngay ở khái niệm tên gọi của bộ môn này: Ngữ văn. Hiểu theo chiếc tự: “ngữ” là ứng dụng toàn bộ kỹ năng tiếng Việt, còn “văn” là ứng dụng bồi bổ tâm hồn con người.

Ngoài ra cần thấy ở đây nữa là bất cứ môn học nào cũng phải có sự biến thiên hài hòa với cuộc sống, với xã hội, với các dòng chảy thời gian của các thế hệ tiếp nối…

Định hướng gì cho nội dung SGK?

Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng văn bản văn học của ta từ trước đến nay chất “văn” còn khá khiêm tốn. Nhìn vào lịch sử văn học của ta, trong bối cảnh nào cũng có thể thấy quá ít những đối tượng, những đội ngũ chuyên nghiệp để sáng tác chuyên chú vào chữ “văn” (nói theo nghĩa rộng của nó). Thật có rất ít những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh… mà chất “văn” thấm sâu vào mạch văn hóa, trở thành hồn thiêng của người Việt, để qua đó mà đạt đến tầm vóc nhân loại. Có nhiều nguyên do ở đây. Hoặc là tác phẩm của họ phảng phất hơi thở cá nhân hạn hẹp, hoặc là quá bị chi phối phiến diện từ dấu ấn xã hội, hoặc bị ảnh hưởng của một hệ tư tưởng, hệ triết lý… Hay là mang định kiến thiển cận của giai cấp, của chính trị… Cho nên tìm ra văn bản theo nghĩa thuần túy chữ “văn” như nói ở trên là rất khó.

Việc chọn một văn bản văn học để đưa vào chương trình mà đảm bảo tính nhân văn, chất nghệ thuật; đánh giá đúng vị trí tác giả của nó trong tiến trình lịch sử; để vừa phải phù hợp với sự giảm tải chương trình… thật là vô cùng khó khăn!

Văn bản văn học của ta phải chấp nhận một tình cảnh của khái niệm kép: văn dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo, văn sử bất phân, văn triết bất phân, thậm chí nói theo trào lưu văn học cách mạng thì văn học là vũ khí chiến đấu… Nhìn nhận như thế để thấy rằng chọn một văn bản đưa vào SGK để phù hợp với các tiêu chí mục đích xác định trên là rất khó. Nếu được mặt này thì sẽ mất mặt kia. Nếu không khéo lựa chọn thì học văn chẳng khác nào học lịch sử khô khan, hoặc học đạo đức, chính trị giáo điều, nặng nề.

Cố GS. Hoàng Như Mai, trong một lần nói chuyện có kể lại rằng: “Một lần, có một phái đoàn người Pháp đến để tìm hiểu về giáo dục của Việt Nam. Tôi được giao nhiệm vụ tiếp đón. Khi tìm hiểu sách giáo khoa của ta, họ rất ngạc nhiên và thắc mắc khi thấy văn học của ta nói toàn chuyện chống Pháp, chống Mỹ. Tôi đã trả lời: Vì dân tộc tôi vừa mới trải qua hai cuộc kháng chiến, nên việc giáo dục cho thế hệ trẻ của chúng tôi lòng yêu nước là một điều tất nhiên và cần thiết”. Nhưng bây giờ chiến tranh đã lùi khá xa, thì ý kiến cố GS. Hoàng Như Mai có nên điều chỉnh theo chiều ngược lại?

Quả thật, việc chọn một văn bản văn học để đưa vào chương trình mà đảm bảo tính nhân văn, chất nghệ thuật; đánh giá đúng vị trí tác giả của nó trong tiến trình lịch sử; đảm bảo được tính vững bền và sự cập nhật, đổi mới của xu thế thời đại, thế giới; để vừa phải phù hợp với sự giảm tải chương trình và không phải “mất lòng”, không phải “đụng chạm” ai thật là vô cùng khó khăn!

Vì thế, thiết nghĩ, nên trả chữ “văn” trong khái niệm bộ môn ngữ văn về đúng nghĩa tận cùng của nó khi muốn đưa nội dung gì vào SGK. Cũng cần phải quan tâm đến tính ứng dụng thực tế của nó. Giảm bớt những bài học thuần túy lý thuyết, lỗi thời. Xây dựng một hệ thống bài học hợp lý, vừa kịp thời, phù hợp tâm thế quốc tế; vừa bền vững, lâu dài, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt…

Trần Ngọc Tuấn

Bình luận (0)