Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nên đưa gì vào sách giáo khoa ngữ văn mới?: Cần thống nhất các thuật ngữ từ lớp 6 đến lớp 12

Tạp Chí Giáo Dục

Từng là chuyên viên và giáo viên giảng dạy bộ môn ngữ văn ở trường phổ thông, chúng tôi thật sự hoan nghênh và vui mừng khi Báo Giáo dục TP.HCM mở ra diễn đàn này.

Qua theo dõi thường xuyên, chúng tôi thấy diễn đàn rất bổ ích đối với người dạy và người học bộ môn này. Đây cũng là những ý kiến tham khảo để sắp tới chúng ta sẽ có một bộ sách giáo khoa (SGK) mới hoàn chỉnh và phù hợp với thực tế.

Nhằm kế thừa những thành tựu cũng như lược bỏ những phần không phù hợp của SGK hiện hành, chúng tôi đề nghị có chọn lọc, đưa thêm những tác phẩm mới vào sách theo một số tiêu chí: Thứ nhất, đó là những bài văn, bài thơ có giá trị thẩm mỹ cao, thể hiện rõ sức sáng tạo của nhà văn và tiêu biểu cho phong cách của tác giả. Đồng thời những tác phẩm có tính giáo dục cao, hướng con người tới những giá trị đạo đức tốt đẹp, tính nhân văn sâu sắc và đặc biệt phù hợp tâm lý, trình độ tiếp thu của học sinh từng cấp, từng khối lớp. Thứ hai, nếu được thì chọn ra những tác phẩm tiêu biểu cho thành tựu văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới trong 30 năm qua. Văn học miền Nam trước 1975 và văn học người Việt ở nước ngoài rất ít, hầu như chưa được đưa vào chương trình giảng dạy trong thời gian qua nếu có chỉ vài tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam. Vì thế nên chọn lựa một số tác phẩm có giá trị và uy tín đưa vào để chương trình phong phú và đa dạng hơn. Thứ ba, cũng nên xét đến các tác phẩm ưu tú của văn học nước ngoài đặc sắc trong thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, đặc biệt quan tâm hơn đến văn học thuộc Cộng đồng ASEAN.

Do chương trình cũ được coi là nặng lý thuyết, vì thế cùng với những văn bản mới chọn lọc, SGK cần có hệ thống hướng dẫn học bài và luyện tập nhẹ hơn, nhiều chất văn chương hơn; bớt hàn lâm theo hướng thi pháp học phù hợp mức độ, yêu cầu của chương trình SGK.

Về phân môn tiếng Việt, làm văn, rất cần đưa vào SGK từ lớp 6 đến lớp 12 những khái niệm, thuật ngữ thống nhất để luyện tập (chứ không phải để nghiên cứu). Bên cạnh đó, hệ thống bài luyện tập cần đạt mục đích rèn luyện kỹ năng tích hợp liên phân môn (đọc hiểu, tiếng Việt, làm văn) theo tiến trình chương trình, SGK mỗi lớp. Rất cần những bài luyện tập tiếng Việt, làm văn về viết câu phục vụ kiểu bài làm văn, dựng đoạn câu theo kiểu bài làm văn, luyện tập những kỹ năng tìm hiểu đề, kỹ năng dàn bài. Đồng thời SGK nên có quỹ đề làm văn theo hướng mở tạo điều kiện cho học sinh sáng tạo, nâng cao nhận thức thẩm mỹ đối với văn bản, nâng cao nhận thức cuộc sống và trách nhiệm bản thân, giúp các em thoát dần ám ảnh của bài văn mẫu.

Đối với sách giáo viên ngữ văn, mong sao sách là nguồn tư liệu văn học và phương pháp giảng dạy tin cậy cần và đủ cho giáo viên tự tin, sáng tạo trong giờ lên lớp. Có thể giới thiệu tóm tắt đặc trưng thi pháp thần thoại, đặc trưng thi pháp truyền thuyết, đặc trưng thi pháp truyện cổ tích, đặc trưng thi pháp ca dao, đặc trưng thi pháp truyện ngắn Trung đại, những cơ sở lý luận và gợi ý phương pháp đọc hiểu văn bản; các phương hướng luyện tập tiếng Việt làm văn theo hướng tích hợp liên phân môn ở mỗi lớp.

Cuối cùng, cần cung cấp những tư liệu văn học mở rộng hoặc chuyên sâu tác phẩm, tác giả văn học ngoài những nội dung đã trình bày ở SGK giúp giáo viên có vốn liếng ban đầu để giảng dạy.

Hùng Phi Chường

Bình luận (0)