Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nên duyên từ một mái trường

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc đời vốn dĩ luôn có một chữ duyên. Vợ chồng thầy Trần Thanh Sơn và cô Nguyễn Thị Bích Hà tin vào chữ duyên đó đã gắn kết cuộc đời họ được gặp gỡ và nên duyên từ môi trường sư phạm. Năm 2016, thầy Sơn – cô Hà được Sở GD-ĐT TP.HCM tặng giấy khen vì đã đạt thành tích tiêu biểu trong xây dựng “Gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Gia đình thầy Sơn – cô Hà cùng hai con trong một chuyến đi du lịch cùng nhau (ảnh nhân vật cung cấp)

Nương tựa những ngày khó khăn

Hạnh phúc với thầy Trần Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Q.12, TP.HCM là sau mỗi ngày làm việc được trở về ngôi nhà nhỏ, vun tưới đám hoa, xắn tay xuống bếp phụ vợ những việc nhỏ trong gia đình. Thầy Sơn gặp cô Bích Hà trong giai đoạn họ cùng công tác tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh. Khi ấy, họ đều là những sinh viên vừa mới ra trường với nhiều hoài bão, ước mơ về con đường phía trước. Tình yêu đến với họ nhẹ nhàng, ở bên cạnh nhau thấy an yên là đủ, chứ nếu nói rằng tại sao yêu thì có lẽ cũng cắc cớ quá. 16 năm song hành cùng nhau, thầy Sơn – cô Hà luôn muốn dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất.

Đôi lúc đối mặt với những bức bách, lo toan của đời sống nhưng vợ chồng thầy Sơn luôn trân trọng nghề. Một khi đã chọn thì họ kiên trì đi đến tận cùng. Nghề nào cũng vậy. Hạnh phúc là đường đi chứ không phải là đích đến. Hôn nhân cũng là những trải nghiệm tuổi trẻ giúp họ trưởng thành, biết sống có trách nhiệm với nhau hơn. Có thời kỳ kinh tế gia đình khó khăn, ngoài giờ dạy ở trường, thầy Sơn nhận thêm đồ gia công cơ khí. Xưởng cơ khí của trường cũng là nơi thầy gắn bó nhiều thời gian để có thể vừa nâng cao tay nghề cho mình, vừa có sản phẩm để học trò thực hành. 5 năm của giai đoạn sau hôn nhân, thầy Sơn – cô Hà nhận ra gia đình mới là thứ quý giá nhất của mỗi người chứ không phải là hào quang, tiền bạc hay sự nghiệp. Không có gia đình, những điều đó không ý nghĩa gì hết. Hai con lần lượt chào đời là kết quả của tình yêu mà họ dày công vun xới mỗi ngày. Có những quyết định lớn trong cuộc sống hầu như thầy Sơn chưa bao giờ hối hận. Cuộc sống không thể tránh những điều không hoàn hảo, những muộn phiền ngoài ý muốn nhưng hôn nhân đã mang đến cho họ những hạnh phúc bình dị. Nhìn hai con mỗi ngày mỗi lớn, chăm ngoan, thầy Sơn – cô Hà như được tiếp thêm động lực bước về phía trước.

“May mắn khi có vợ là nhà giáo”

Trong câu chuyện của mình, thầy Sơn luôn dành cho vợ những tình cảm thân thương ngay từ trong ánh mắt, lời nói. “Tôi cảm thấy mình may mắn khi có vợ đồng hành và biết sẻ chia. Chúng tôi làm chung trong môi trường sư phạm nên dễ cảm thông, thấu hiểu cho nhau”. Trong ngôi nhà nhỏ của họ, dấu ấn bàn tay người phụ nữ hiện lên trong từng góc của ngôi nhà, trong từng bữa ăn ấm áp.

Biết thu vén cuộc sống và tìm niềm vui từ những điều giản dị, hạnh phúc của vợ chồng thầy Sơn – cô Hà là khoảnh khắc bình yên sau mỗi ngày làm việc, được trở về bên nhau, được chung tay chăm sóc hai con. Mọi tham sân si dường như được để lại bên ngoài cánh cửa…

Cuộc sống vốn dĩ không có con đường nào trải sẵn hoa hồng nếu bản thân mỗi người không cố gắng làm việc, vươn lên. Và thầy Sơn – cô Hà luôn tin rằng dù có mạnh mẽ đến đâu nhưng nếu không có người thân bên cạnh, tin tưởng, cùng nhau sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống thì con người cũng sẽ khó bình thản bước đi sau những va vấp. Nếu không có sự đồng tình, tin tưởng, ủng hộ tuyệt đối lẫn nhau, thầy Sơn – cô Hà có thể sẽ gặp khó khăn hơn trên đường đời.

“Năm 2004, lần đầu tiên tôi có chuyến đi công tác ở nước ngoài. Vợ tôi vốn là giảng viên ngoại ngữ, biết tôi giao tiếp tiếng Anh chưa tốt nên rất lo lắng, dặn dò tôi đủ điều. Cô ấy chuẩn bị cho tôi những tình huống giao tiếp khi vừa xuống sân bay, dặn dò tôi những kỹ năng ứng xử khi giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài… Thời ấy chưa có mạng xã hội như bây giờ, việc liên lạc cũng bất tiện hơn nhưng tôi luôn cảm giác có vợ kề bên. Những mẫu giấy viết tay mà cô ấy nắn nót khi ghi lại những tình huống giao tiếp bằng tiếng Anh đến giờ tôi vẫn không quên”, thầy Sơn kể lại.

Có lẽ chính từ những sự sẻ chia chân thành, ngọt ngào đến vậy nên dù ở đâu, sợi dây hạnh phúc nhiệm mầu ấy vẫn kết nối họ lại bên nhau. Đó không chỉ là sự gắn kết của tình yêu đôi lứa mà còn là những san sẻ, tựa nương trong những ngày gian khó. Dẫu công việc bận rộn nhưng họ luôn dành thời gian để chia sẻ cùng con, đưa đón các con đến trường. Họ lên kế hoạch để thay phiên nhau học nâng cao, lấy bằng thạc sĩ chỉ trong một thời gian ngắn.

Năm 2016, thầy Sơn – cô Hà được Sở GD-ĐT TP.HCM tặng giấy khen vì đã đạt thành tích tiêu biểu trong xây dựng “Gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Yên Hà

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)