Việc đua chen vào các trường phổ thông nổi tiếng và các trường ĐH đang hướng nền giáo dục nước ta vào một việc rất kỳ cục: phục vụ quá nhiều cho các kỳ thi và học sinh phải học hành vất vả để đi thi chứ không vì thực tiễn phát triển đất nước.
Đây là một nguyên nhân chủ yếu gây ra nạn quá tải và học thêm tràn lan trong giáo dục. Đáng sợ hơn, việc này đưa đến ngộ nhận của xã hội về nhân tài: thiên về thành tích thi cử hơn là sự đóng góp thực sự cho phát triển đất nước.
Một giảng viên ĐH từng tham gia ra đề thi tuyển sinh ĐH 2008 đã phát biểu: năm nay đề thi tương đối khó, nhưng có ngành học điểm chuẩn tuyển sinh 28,5; nghĩa là thí sinh phải đạt 9,5 điểm mỗi môn thi. Như vậy, nếu không ra đề thi năm sau khó hơn, thì sang năm ngành đó không biết tuyển ra sao, nếu có quá nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Giảng viên này đã nêu được chính xác hiện trạng sau: chương trình học với các phần nâng cao đáng kể cùng với đề thi khá khó vẫn sẽ bị vượt qua bởi các chiêu luyện thi chuyên nghiệp.
Như thế, phần nâng cao của chương trình học có cao bao nhiêu thì cũng bị vượt qua bởi các chuyên gia luyện thi, phần nâng cao của chương trình học phải nâng cao tiếp. Học sinh càng học vất vả, càng phải lao vào các trung tâm luyện thi. Học sinh đang là nạn nhân của “trận chiến Sơn Tinh – Thủy Tinh” này và nỗi khổ này ngày càng tăng không có giới hạn. Đáng buồn nhất là các phần nâng cao lại không nâng cao kiến thức và các hoài bão cao đẹp của học sinh chúng ta bao nhiêu cả!
Các nước tiên tiến vẫn có các cuộc tuyển chọn quyết liệt, thí dụ tỷ lệ chọi cho một học bổng làm tiến sĩ về toán ở Mỹ thường là trên 100 chọn 1, nhưng cách thi tuyển hay hơn chúng ta vì dựa một phần vào các kỳ thi GRE. GRE là cách thi trắc nghiệm, các câu hỏi không tầm thường nhưng không quá lắt léo, đề rất dài, hầu như không ai có thể làm hoàn chỉnh trong thời gian thi. Họ dựa vào nguyên tắc: một thí sinh giỏi luôn luôn giải nhanh hơn thí sinh kém với bất kỳ đề toán nào và với thật nhiều câu hỏi không tầm thường, số câu giải được sẽ biểu hiện thật chính xác các mức khác biệt về trình độ của các thí sinh.
Thông thường các điểm thi theo lối này rải ra rất rộng và sự tuyển chọn trở nên dễ dàng. Như vậy học sinh chúng ta có thể chỉ cần học các kiến thức cần cho cuộc sống và sự phát triển đất nước mà chúng ta vẫn tổ chức được các kỳ thi tuyển chọn quyết liệt. Cách thi này còn cho phép chúng ta dùng kết quả một kỳ thi vào nhiều mục tiêu: tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ với các chuyên ngành khác nhau, tùy theo các mức điểm chuẩn cho từng mục tiêu.
Chúng ta cũng nên có chương trình chuyên biệt ở bậc THPT để phục vụ cho một số học sinh có hoài bão dự thi các kỳ thi Olympic quốc tế mà không ảnh hưởng đến số đông học sinh còn lại.
Gs-Ts Dương Minh Đức
(Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
(Theo TNO)
Bình luận (0)