Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nên giao hẳn việc tổ chức thi tốt nghiệp cho địa phương

Tạp Chí Giáo Dục

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận thăm hỏi các em học sinh trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Ảnh: Q.Huy
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2011 đã đặt ra cho dư luận nhiều câu hỏi: “Hai không” thành công hay thất bại? Với một kỳ thi mà gần 100% thí sinh đỗ như thế thì có nhất thiết phải huy động toàn xã hội đi thi hay không… Phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chung quanh vấn đề này.
PV: Từ năm 2006, Bộ GD-ĐT phát động cuộc vận động “Hai không”. Năm 2007, tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước bị kéo tụt xuống rất thấp. Nhưng đến nay, tỷ lệ này lại quay về tình trạng trước “Hai không”. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Ngay từ khi Bộ GD-ĐT phát động cuộc vận động “Hai không”, trong một buổi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội ở Quốc hội khóa XI, đồng chí Đỗ Nguyên Phương, lúc đó là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, đã đề nghị nên trở lại với phong trào “Hai tốt” do Bác Hồ phát động. Tôi cũng phát biểu ủng hộ ý kiến này. Bởi khi mở một cuộc vận động thì thường phải lấy tiêu chí tích cực làm chính. Chỉ nên coi chống tiêu cực, chống bệnh thành tích như một bộ phận của “Hai tốt”. Nếu không, sẽ xác định tiêu chí thi đua như thế nào? Chẳng lẽ lấy tỷ lệ học sinh trượt ngày càng nhiều làm thành tích? Nhưng khẩu hiệu “Hai không” lúc ấy được dư luận coi là rất mới, vì nó đánh đúng vào tâm lý người dân đang chán bệnh thành tích, chán tiêu cực trong ngành. Có lẽ vì vậy mà Bộ GD-ĐT không nghe góp ý của chúng tôi.
Qua 5 năm thực hiện, càng ngày càng thấy là rất khó, thậm chí không thể thực hiện được “Hai không”. Vụ “bắt tay” của 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi chỉ là một ví dụ. Trong lúc bệnh thành tích ở cơ sở chưa dẹp được thì nó đã lan mạnh lên trên. Chỉ trong vòng 5 năm, các trường ĐH, CĐ mọc lên với tốc độ chóng mặt. Năm nào cũng thêm dăm bảy trường ĐH, CĐ mới, trong điều kiện giảng viên, cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn. Thậm chí không ít trường ĐH, CĐ không “tấc đất cắm dùi”, năm nào cũng chờ số liệu tuyển sinh ổn định mới chạy thuê phòng học, không khác gì một “lò luyện thi”. Kỳ thi tuyển sinh năm 2011 này, có trường ĐH thủ khoa chỉ đạt 12,5 điểm. Mở trường tùy tiện như vậy không chỉ hạ thấp chất lượng nhân lực mà còn làm hỏng bất kỳ một cố gắng nào để phân luồng học sinh theo yêu cầu của thị trường lao động.
Theo tôi, đã đến lúc nên kết thúc cuộc vận động “Hai không” để làm chuyện khác có hiệu quả hơn.
Cũng không thể phủ nhận sự cố gắng của ngành giáo dục trong thời gian qua để nâng cao chất lượng. Điều đó khẳng định ý nghĩa của “Hai không”, thưa ông?
Không ai có thể nói rằng ngành giáo dục không cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục. Ý kiến tôi chỉ giới hạn ở câu chuyện “Hai không”. Phải nói thẳng là còn lâu mới khắc phục nổi bệnh thành tích trong giáo dục vì chúng ta đang sống trong xã hội chạy theo thành tích. Nói gần thì như trong một ngành “anh anh em em” với giáo dục là văn hóa, có tới 80% hộ gia đình trên cả nước đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Nhưng bạn thử quan sát xung quanh mình xem con số này có phản ánh sự thực không. Nói xa hơn thì GDP nước mình năm nào cũng tăng, công chức, viên chức, lao động hầu hết là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, nhưng khoa học, giáo dục vẫn lạc hậu, kinh tế vẫn chuệch choạc, ì ạch… thua xa các nước xung quanh. Bệnh thành tích là căn bệnh xã hội nặng lắm rồi; một mình ngành giáo dục chữa không nổi đâu. Còn căn bệnh tiêu cực, tôi cũng không nghĩ nó là bệnh riêng của giáo dục hay chỉ là bệnh trong thi cử. Chữa những căn bệnh này phải chữa toàn thân.
Từ kết quả của kỳ thi tốt nghiệp năm nay, theo ông, có nhất thiết phải tổ chức thành một kỳ thi tốt nghiệp cấp quốc gia?
Thực ra, phần lớn công việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT hiện nay đều do địa phương đảm nhiệm, bộ chỉ ra đề và chỉ đạo chấm. Tôi cho rằng nên giao hẳn việc thi tốt nghiệp này cho các địa phương lo, bộ chỉ làm công tác hướng dẫn, thanh tra và xử lý vi phạm. Địa phương nào chạy theo thành tích hoặc để xảy ra tiêu cực thì bộ xử lý. Còn nếu một vài địa phương làm sai có “lọt lưới thanh tra” thì đã có dân giám sát. Nếu kết quả thi tốt nghiệp cao ngất ngưởng mà kết quả thi ĐH, CĐ chẳng ra gì thì công luận ở địa phương và HĐND địa phương cũng chẳng để yên. Nhưng kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực cho thấy khi được giao toàn quyền, người được giao sẽ có tinh thần trách nhiệm cao hơn, bởi vì lúc đó sẽ không còn cái cơ chế “mình làm, người khác chịu trách nhiệm” nữa. Bộ GD-ĐT có giải phóng mình khỏi việc quanh năm suốt tháng lo tổ chức các kỳ thi thì mới lo được những việc đúng tầm của bộ, như xây dựng chiến lược, quy hoạch, tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực…
Thực tế năm nay cho thấy, thanh tra ủy quyền của bộ đã rút gần hết. Cùng với đó, tỷ lệ tốt nghiệp ở hệ GDTX một số tỉnh tăng đột biến. Ông có nghĩ, nếu giao hoàn toàn, các sở sẽ nới lỏng để nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp?
Tôi phải nói rằng nếu sử dụng thanh tra ủy quyền làm giám thị là lẫn lộn chức năng. Thanh tra là để giám sát, phát hiện vi phạm và xử lý, chứ không phải để tăng cường lực lượng coi thi. Thanh tra chỉ về để coi thi thì để hay rút cũng vậy thôi. Cũng không nhất thiết là phải rải thanh tra khắp các điểm thi, mà chỉ cần sai đâu xử đấy cho nghiêm thì tự những nơi khác sẽ phải trông gương ấy mà sửa mình.
Nhiều người cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, ông nghĩ sao?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
Có người bảo rằng thi tốt nghiệp năm nào cũng đỗ gần 100% thì thi làm gì. Nhưng mục đích của thi tốt nghiệp không phải là để đánh trượt học sinh mà để kiểm tra xem các em có đạt được ngưỡng yêu cầu hay không. Hiện nay, từ tiểu học lên đến THPT chúng ta đã dỡ bỏ hết các kỳ thi. Chỉ có một số tỉnh có kỳ thi vào lớp 10. Chúng ta đào tạo con người trong thời đại cạnh tranh mà lại dỡ hết những cuộc kiểm tra, sàng lọc thì học sinh không còn ý thức phấn đấu, về sau ra đời cạnh tranh với ai được nữa? Vả lại, bên cạnh mục tiêu đánh giá học sinh, thi còn là dịp để ngành giáo dục, để thầy cô đánh giá chính mình, từ đó điều chỉnh công việc dạy học. Không thi tốt nghiệp nữa thì đánh giá công việc dạy học thế nào? Ở bên Anh, tôi thấy người ta còn công bố kết quả thi của từng trường lên báo. Qua vài năm mà trường không cải thiện được vị trí xếp hạng thì hội đồng giáo dục địa phương sẽ cho ông (bà) hiệu trưởng đó về vườn. Trường xử lý đối với giáo viên cũng vậy.
Tóm lại, quan điểm của tôi là không bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng nên làm cho nó gọn nhẹ hơn.
Ngoài việc giao địa phương tổ chức thi, hình thức thi cử có nên đổi mới không, thưa ông?
Đề thi thời gian vừa qua đã được cải thiện. Nhiều đề được đánh giá là hay. Bộ nên hướng dẫn các địa phương để làm thế nào kiểm tra được thực chất năng lực của học sinh. Nhưng phải nói là hoàn cảnh nước ta cũng có nhiều cái rất khó. Tôi lấy ví dụ dạy tiếng Anh, chúng ta yêu cầu học sinh phát triển cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhưng do số lượng học sinh của ta quá lớn nên mới chỉ kiểm tra được kỹ năng viết. Nếu không tìm được biện pháp giải quyết, cách thi ấy sẽ tác động trở lại cách học, khiến thầy và trò chỉ chăm chăm vào các bài đọc hiểu và ngữ pháp thôi.
Về lâu dài, việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng có thể sẽ còn phải thay đổi, nhưng điều đó phụ thuộc vào cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông mới. Thực ra, kiến thức phổ thông đối với mỗi người chỉ cần đến lớp 9 là đủ. Sau lớp 9, ai có điều kiện thì học tiếp, còn không thì đi học nghề. Nhưng muốn thế, trường nghề của chúng ta phải thay đổi cho phù hợp, không thể để mãi tình trạng cả xã hội nháo nhào đi thi như hiện nay.
Chúng ta đang tắc ở phân luồng, thưa ông?
Hiện nay chúng ta đang gặp vấn đề chủ trương một đằng, thực hiện một nẻo. Lẽ ra sau lớp 9, học sinh cần được phân luồng thì ta lại cho thành lập hàng loạt trường THPT ngoài công lập mà không phải trường nào cũng đạt chất lượng để “hứng” hết những học sinh không đỗ vào trường công lập. Rồi sau 3 năm, lại có một loạt các trường ĐH kém chất lượng “đợi” đội ngũ học sinh này. Họ mất thêm 4 năm nữa rồi ra trường không có việc làm vì không đáp ứng được yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Đó là một sự lãng phí thời gian và của cải xã hội. Chúng ta cố gắng thỏa mãn nhu cầu học tập của mọi người là đúng, nhưng phải tính toán đến chất lượng, không thể có chuyện mọi người cùng dắt nhau vào ĐH, thậm chí lên tiến sĩ như hiện nay. Cả xã hội đều là tiến sĩ, kĩ sư, cử nhân mà không có công nhân lành nghề đâu có được!
Theo ông, ta nên giải quyết vấn đề này thế nào?
Đầu tiên là ở chính mỗi gia đình. Cha mẹ phải định hướng cho con chọn đường thế nào phù hợp với năng lực của mình và điều kiện kinh tế gia đình. Thứ hai là ở chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chính sách tuyển chọn, sử dụng lao động của Nhà nước. Nếu công nghiệp chỉ gói gọn trong khai mỏ, gia công; nông nghiệp vẫn “con trâu đi trước, cái cày theo sau”; dịch vụ chỉ là mát xa, nhà hàng, buôn bán lẻ… và nếu chỉ cần có quyền, có tiền, học hành thế nào cũng tiến thân được thì con em mình chẳng cần học hành tử tế để làm gì.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)