Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nên giữ lại giấy tờ tiêm vắcxin từ nhỏ

Tạp Chí Giáo Dục

“Vào thời điểm đầu của thai nghén, nếu thai phụ mắc virút hay nhiễm khuẩn có thể sẽ gây ra khuyết tật bẩm sinh cho thai nhi. Một số nhiễm khuẩn khác sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng của thai nghén và khi đẻ. Vì vậy, các thai phụ nên chủ động tiêm vắcxin để phòng bệnh”, TS Nguyễn Công Nghĩa, BV Phụ sản Hà Nội khuyến cáo.
Theo TS Nghĩa, rất đáng tiếc là hầu như người Việt Nam không có thói quen giữ lại những giấy tờ ghi nhận về vắcxin đã được tiêm từ nhỏ. Trường hợp nếu không thể nhớ mình đã dùng những vắcxin nào, thai phụ có thể tiêm hay uống lại để tái tạo miễn dịch.
Các vắcxin quan trọng nhất bao gồm sởi, sởi Đức (Rubella), quai bị, uốn ván, bạch hầu, thủy đậu và viêm gan. Đến nay, hầu hết các cơ sở chăm sóc sản phụ khoa toàn quốc chỉ cung cấp và tiêm vắcxin uốn ván, như vậy là không đủ và bạn nên tới các trung tâm y tế dự phòng và dịch tễ để tiêm hay uống thêm. Hầu hết các vắcxin là an toàn khi mang thai, tuy nhiên tốt nhất vẫn nên sử dụng trước khi có thai.
Để phòng bệnh sởi, sởi Đức (Rubella), quai bị, thai phụ nên tiêm trước khi có thai 3 tháng (nếu chưa tiêm bao giờ). Với bệnh thủy đậu thì nên tiêm vắcxin trước khi có thai một tháng. Cứ 10 năm một lần thì cần tiêm nhắc lại vắcxin phòng bệnh bạch hầu – uốn ván. Riêng vắcxin phòng bệnh viêm gan A và B, cúm, viêm phổi có thể tiêm khi có thai
Một hiểu lầm rất phổ biến hiện tại cho cả các y bác sĩ chuyên ngành và các sản phụ ở Việt Nam là nhiễm cúm khi mang thai có thể gây ra khuyết tật thai nhi. Trên thực tế, nhiễm cúm hầu như không làm tăng nguy cơ khuyết tật thai nhi, tỷ lệ này vô cùng thấp so với nhiễm Rubella và không cao đáng kể hơn so với người không nhiễm. Nguy hiểm nhất của nhiễm cúm là có thể gây ra biến chứng viêm phổi nặng.
Ngoài ra, các thai phụ cần cảnh giác với các bệnh lây truyền qua đường tình dục vì có thể nguy hiểm cho cả mẹ và thai. Các bệnh cần chú ý gồm: Giang mai, lậu, herpes, Chlamydia, trùng roi và HIV. Khi bạn mang thai, tốt nhất cần có bác sĩ chuyên khoa theo dõi đặc biệt để giảm nguy cơ cho thai nhi và mẹ khi sinh.

Phương Liên

Theo báo TIn Tức

Bình luận (0)