Một hiện tượng tồn tại trong ngành giáo dục bấy lâu nay gây ra phiền toái và dẫn đến những hệ lụy cho thầy trò hiện nay là chưa học hết chương trình mà đã tổ chức thi học kỳ. Năm nào cũng vậy, ở học kỳ nào cũng thi trước chương trình. Cụ thể, chương trình học ở bậc THCS gồm 37 tuần, học kỳ 1 học 19 tuần, học kỳ 2 học 18 tuần. Học kỳ 1, học tuần 18 là đã thi, nghĩa là thi xong thì học tiếp một tuần nữa mới hết chương trình. Còn học kỳ 2 thì tuần 35 đã thi, nghĩa là thi xong thì phải học một đến hai tuần nữa mới hết chương trình. Sau khi thi xong, học sinh có tâm lý không muốn học. Vì vậy, giáo viên có dạy nhiệt tâm thế nào cũng như “nước đổ đầu vịt”. Chưa kể nhiều học sinh tỏ thái độ bất cần, vô lễ với thầy cô.
Lý do chính dẫn đến tình trạng này là tư tưởng học có điểm chứ không phải học để biết đã ăn sâu trong tâm trí học sinh nên các em thi xong có suy nghĩ rằng “những bài học sau khi thi chẳng kiểm tra lấy điểm thì học làm gì”. Chính vì vậy, khi thi xong thì trường học như buổi chợ tàn. Thầy dạy trò không học, trò đi học để chơi là chính dẫn đến thầy đi giữ lớp… cũng là chính luôn. Chưa kể, vì không học nên học sinh bày ra nhiều trò để chơi, để phá nên làm cho giáo viên phải khổ khi quản lý các em, có khi kiềm chế không được dẫn đến xảy ra những điều không hay giữa trò và thầy. Khi đó sẽ làm khổ thầy, khổ trò, khổ trường và khổ cả phụ huynh.
Vì vậy, tôi (là một giáo viên đã 30 năm đứng lớp) rất mong ngành giáo dục phải có kế hoạch để thầy trò dạy – học hết chương trình (trong mỗi học kỳ) rồi mới tổ chức thi học kỳ. Có thế chất lượng giáo dục của chương trình học mới đảm bảo, nề nếp nhà trường mới tốt và không xảy ra những chuyện đáng tiếc trong học đường như hiện nay.
Nguyễn Văn Tú (Đà Nẵng)
Bình luận (0)