Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã giảm 2 quý liên tiếp, theo số liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) công bố ngày 25.5, có nghĩa là nước này đã bước vào thời kỳ suy thoái.
Bên trong một siêu thị ở Frankfurt, Đức.
GDP của Đức trong quý đầu tiên giảm 0,3% so với 3 tháng trước đó, sau khi giảm 0,5% trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12.2022, Destatis cho biết.
Văn phòng thống kê giải thích, lạm phát cao vẫn tồn tại ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu, buộc người Đức phải chi tiêu ít hơn. Trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 8,7%, giảm nhẹ xuống 7,2% trong tháng 4. Con số này vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát trung hạn của ngân hàng trung ương là 2%.
Destatis chỉ ra, giá năng lượng và lương thực nói riêng đã tăng trưởng trên mức trung bình kể từ khi bắt đầu xung đột Nga – Ukraina và trở thành nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ lạm phát cao của Đức.
“Việc miễn cưỡng mua hàng của các hộ gia đình thể hiện rõ ràng ở nhiều lĩnh vực: Trong quý đầu tiên của năm 2023, các hộ gia đình chi tiêu ít hơn cho thực phẩm và đồ uống, quần áo và giày dép cũng như đồ đạc khác so với quý trước” – thông cáo viết.
Tháng 1 năm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã loại trừ khả năng xảy ra suy thoái kinh tế.
Đức bị tụt lại so với các quốc gia thành viên lớn khác của EU và toàn bộ EU về phát triển kinh tế trong quý đầu tiên của năm nay. Tốc độ tăng trưởng tổng thể của EU là 0,2% trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 3.
Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank dự kiến nền kinh tế tăng trưởng “khiêm tốn” trong quý hiện tại, nhờ sự phục hồi của ngành công nghiệp trong bối cảnh các đơn đặt hàng tồn đọng và chi phí năng lượng thấp hơn sẽ bù đắp cho mức tiêu thụ hộ gia đình đang trì trệ.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)