Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nên lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển Đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 21/10, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL tổ chức hội thảo đổi mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ với nhiều ý kiến được đánh giá cao.

Đổi mới toàn diện trong tuyển sinh ĐH, CĐ là một bước đi giúp cải tiến trong thi cử và thực tế đúng với xu thế của thế giới.

Từ năm 2002, trong Đề án cải tiến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ và trung học chuyên nghiệp đã được ông Phan Văn Khải, lúc đó là Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với Bộ Giáo dục rằng: Cải tiến công tác tuyển sinh phải có kế hoạch tổng thể, bước đi thích hợp, đảm bảo tính khoa học, chính xác, công bằng, nghiêm túc, gắn với đổi  mới công tác đánh giá chất lượng giáo dục và phân luồng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt căng thẳng, vất vả, tốn kém của thí sinh và người dân.

GS Trần Hữu Nghị cho rằng, nên thống nhất một kỳ thi để giảm tốn kém cho thí sinh. Ảnh Xuân Trung

Tại hội thảo lần này, các chuyên gia và những Giáo sư đầu ngành cùng nhất trí nên giảm bớt gánh nặng và tiền của trong việc tổ chức những kỳ thi. Nên lấy kết quả tốt nghiệp THPT là cơ sở để xét tuyển ĐH, CĐ nhưng có phân tầng để đảm bảo chất lượng.
GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH DL Hải Phòng nêu ý kiến về công tác đổi mới tuyển sinh sắp tới. Theo GS Nghị, đã là ĐH hay phổ thông đều là hệ thống giáo dục, nhưng hiện nay chưa có sự tin tưởng lẫn nhau trong việc đảm bảo chất lượng. Mục tiêu của đào tạo là dạy người để tin nhau, nếu không tin tưởng sẽ kéo theo cả hệ thống không tin tưởng nhau. Từ đó, không có gì để mở ra một con đường mới.
“Hiện nay, nhà nước chúng ta tiếp nhận những sinh viên nước ngoài vào Việt Nam học đại học chỉ cần tốt nghiệp THPT. Đây là kiến thức cần thiết để một người vào đại học, tại sao không lấy chuẩn phổ thông thành chuẩn của ĐH? Nếu chúng ta tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng nghĩa, nghiêm túc thì chúng ta đã làm được việc phân tầng ĐH. Tôi thấy không công bằng ở chỗ, trong nước phải trải qua một kỳ thi để vào ĐH nhưng với người nước ngoài chỉ cần bằng cấp III mà vẫn vào Việt Nam học ĐH” – GS Trần Hữu Nghị giải thích về tính bất cập trong việc tổ chức thi ĐH.
Theo GS Trần Hữu Nghị, chúng ta thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ lấy đó và xác nhận là đã tốt nghiệp mà hầu như không sử dụng kết quả đó. GS Nghị cho rằng, đó là bất cập vì phải bỏ nhiều tiền của để tổ chức một kỳ thi và chỉ coi đó là điều kiện để dự thi ĐH. Trong khi trong thời gian ngắn lại diễn ra hai kỳ thi quốc gia (THPT tháng 5 và ĐH, CĐ tháng 7).
Trường Top trên thì thi, trường Top dưới thì xét kết quả tốt nghiệp THPT

GS, TS Hoàng Trọng Yêm: Ba chung đã  lỗi thời và nhiều khiếm khuyết. Ảnh Xuân Trung

GS, TS Hoàng Trọng Yêm, hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) đưa ra ý tưởng và theo ông năm tới nên áp dụng ngay. Theo GS Yêm với cách làm như hiện nay thì các trường sẽ không tuyển được sinh viên, kể cả trường công. “Lúc đó khoảng 4-5 năm nữa nhiều trường sẽ ăn vào vốn và có thể giải thể. Năm tới tuyển sinh nên thực hiện ở khía cạnh phân tầng ĐH, tức là quan niệm trường tốp trên thì cho thi, những trường tốp dưới tùy từng trường sẽ quy định điểm phổ thông là bao nhiêu rồi tuyển, tùy từng ngành học. Thí dụ, ngành Công nghệ thì xét môn Toán, ngành Xã hội nhân văn xét môn Văn…” GS Yêm đề xuất.
Trong 13 ý kiến đóng góp cho đổi  mới tuyển sinh ĐH, CĐ cho thấy, phần lớn các ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục nên có một bước đột phá mới trong tuyển sinh, một trong những đột phá đó là mạnh dạn bỏ thi ĐH, lấy kết quả tốt nghiệp THPT là cơ sở xét tuyển.
Chung đề, chung đợt nhưng không chung điểm

Buổi Hội thảo góp ý cho tiến trình đổi mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ thu hút nhiều Giáo sư đầu ngành, những nhà quản lí giáo dục tới dự. Ảnh Xuân Trung

Thể hiện ý kiến về những bất cập trong ba chung, các Giáo sư bày tỏ muốn đổi mới trong công tác tuyển sinh trước mắt phải cải tiến thi ba chung theo hướng, cái gì tốt nên giữ lại, cái gì không tốt loại bỏ ngay. Phần lớn các ý kiến cho rằng, thi chung đề, chung đợt có thể chấp nhận được nhưng kết quả thi thì phải để cho các trường tự quyết định.
Theo GS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam, mùa tuyển sinh 2011 đã bộc lộ hết những nhược điểm của “ba chung”. Rất nhiều trường kể cả công lập và ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu chỉ vì thiếu nguồn tuyển.
PGS, TS Lê Đức Ngọc, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL) cho rằng: “Phải thừa nhận một cách khách quan, ba chung là một trong những bước đổi mới đã mang lại sự ổn định tương đối trong tuyển sinh ở nước ta. Khi có chủ trương giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo, phần lớn cho rằng chỉ cần cải tiến ba chung. Do vậy, cần có một hướng mới trong thi ba chung sắp tới” PGS Ngọc cho biết.

 Đề xuất ba chung một riêng
Đánh giá trình độ học vấn THPT để xét tốt nghiệp và để làm tiêu chuẩn tối thiểu cho tuyển sinh đào tạo sau THPT, hướng đề xuất thi ba chung và một riêng như sau:
Chung đề: Do là cuộc thi đánh giá trình độ học vấn, thi nhiều môn. Tuy nhiên cần ghép lại thành 5 bài thi: Toán (90 phút) hệ số 2, Ngữ văn (90 phút) hệ số 2, Ngoại ngữ (45 phút) hệ số 1, Lý – Hóa – Sinh (135 phút) hệ số 3, Sử  – Địa (90 phút) hệ số 2. Định hướng 5 bài thì phù hợp với cụ thế giáo dục tích hợp trong giáo dục phổ thông hiện nay trên toàn thế giới (tích hợp Lý – Hóa – Sinh thành môn khoa học và Sử  – Điạ thành môn xã hội).
Chung đợt: Mỗi đợt gồm 3 ngày thi và 6 buổi (1 buổi thủ tục, 5 buổi làm bài). Mỗi thí sinh có một đề thi trắc nghiệm riêng. Chấm bằng máy. Công bố điểm tới từng thí sinh và trên mạng.
Chung điểm sàn tốt nghiệp THPT: Từ 250 điểm trở lên là điểm tốt nghiệp (cần có chính sách cộng điểm theo vùng miền, diện chính sách). Điểm tối đa của môn Toán là 100, môn Ngữ văn 100, Sử – Địa 100, Lý – Hóa  – Sinh 150, Ngoại ngữ 50.

Một riêng cho tuyển sinh đào tạo nghề sau THPT: Căn cứ vào: Chỉ tiêu được giao, kết quả các bài thi chung, chính sách chung về cộng điểm theo vùng miền và điểm thi năng khiếu tùy theo ngành nghề khi cần thiết, cơ sở đào tạo sẽ tự xây dựng điểm chuẩn để tuyển sinh chung hay riêng cho từng ngành của trường.
Theo Xuân Trung
(GDVN)

Bình luận (0)