Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nên sinh mổ hay sinh thường?

Tạp Chí Giáo Dục

Sản phụ nằm chờ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM. Ảnh: H.TRIỀU
Đây là băn khoăn của rất nhiều người phụ nữ lần đầu tiên làm mẹ. Trong hai cách sinh này đều có những ưu điểm và nhược điểm. Vì vậy mà cả BS hay các bà mẹ mang thai cần phải cân nhắc kĩ trước khi quyết định để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ lẫn bé.
Băn khoăn của phụ nữ
Chị Lê Thị Lan Anh (ngụ Q.12, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi sinh cu Thóc bằng cách đẻ thường, nhưng nếu có “sản xuất tập 2” thì tôi sẽ quyết tâm sinh mổ. Cu Thóc nặng hơn 4kg nên cũng không sinh ra được bằng cách thường, mà BS vẫn phải rạch ở tầng sinh môn nên sau đó tôi thấy rất đau chẳng khác nào sinh mổ”. Bên cạnh đó, có nhiều phụ nữ lo lắng nếu sinh mổ thì đứa bé sau khi sinh ra sẽ có hệ miễn dịch kém do không được uống những giọt sữa non đầu tiên của mẹ. Bà Nguyễn Thanh Ngọc (Q.Thủ Đức) cho biết: “Cu Ti cháu tôi phải sinh mổ nên hay bị ốm lắm, còn bé Tuấn hàng xóm thì mẹ bé sinh thường nên bây giờ nó khỏe mạnh, cứng cáp chẳng mấy khi phải tiêm thuốc”.
Những người phụ nữ lần đầu tiên làm mẹ luôn có tâm trạng lo lắng, hồi hộp, thêm vào đó là sự băn khoăn không hề nhẹ trong vấn đề nên sinh thường hay sinh mổ. Bạn H.Y (Q.7) trăn trở: “Em mới sinh lần đầu, vì vậy không biết nên sinh thường hay sinh mổ. Tìm hiểu trên mạng thì em thấy cả hai cách sinh đều có những mặt lợi và mặt hại. Nhưng đối với em để có được một đứa con khỏe mạnh thì cách sinh nào em cũng chấp nhận”.
Lựa chọn cách sinh phù hợp
 BS. Nguyễn Thị Anh Phương (Phó trưởng khoa Sản Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM) cho biết: “Dù sinh thường hay sinh mổ thì đều có những mặt lợi và bất lợi, vì vậy các bà mẹ mang thai cũng như BS phải lựa chọn cách sinh phù hợp nhất để tránh các rủi ro xảy ra”.
Theo quy định của WHO, tỷ lệ sinh mổ chỉ được chiếm 10-15% tổng số ca sinh. Nhưng trong thời gian gần đây, tỷ lệ mổ lấy thai tăng cao trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ sinh mổ ở Hà Nội là 31,3%, TP.HCM là 29,5%, Hải Phòng là 20,4%, Cần Thơ là 19,4%…
Cũng theo BS. Phương thì: “Sinh thường (sinh ngã âm đạo) là cách sinh tự nhiên và để sinh thường thì kích thước của em bé phải tương xứng với khung chậu của người mẹ. Tiếp đến sức khỏe của cả mẹ và bé phải đảm bảo, để xác định được việc này thì cần có sự thăm khám của BS về sự phát triển tim thai, ngôi thai của bé, nhất là bản thân người mẹ có mắc bệnh lí y khoa không…”. BS. Phương cho biết thêm: “Việc sinh thường mang lại rất nhiều lợi ích, em bé sinh thường ít có nguy cơ suy hô hấp và mắc các bệnh về hô hấp sau này. Người mẹ mất ít máu hơn, nếu sinh thường mất khoảng 300ml máu thì sinh mổ bình thường mất ít nhất là 500ml máu. Bằng việc sinh thường thì sau sinh người mẹ cảm thấy khỏe mạnh hơn còn người sinh mổ sau sinh rất đau. Do ít bị đau nên người mẹ ít bị stress, việc lên sữa sẽ dễ dàng hơn. Sau khi em bé ra đời, người mẹ nên cho bé bú ngay sẽ kích thích người mẹ tạo ra oxytocin nội sinh, giúp gò tử cung, tránh băng huyết, em bé uống những giọt sữa non đầu tiên sẽ có kháng thể chống bệnh sau này. Bên cạnh đó, sẽ ít tốn kém hơn, thời gian nằm viện ít hơn và khả năng phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Nếu nói về đau trong chuyển dạ thì ai cũng phải có vì người ta thường nói không đau nào bằng đau đẻ, để giảm bớt cơn đau dùng thuốc gây mê sản khoa. Có nhiều trường hợp sinh thường phải cắt tầng sinh môn, vết cắt rất nhỏ khoảng 3 phân nhưng việc này khác hoàn toàn so với việc sinh mổ”.
BS. Phương nhấn mạnh: “Nếu sinh thường không an toàn cho mẹ và thai nhi thì nên sinh mổ. Chẳng hạn, khi đã tới ngày hoặc quá ngày dự sinh rồi mà chưa sinh, hoặc là thai trình không tiến triển, nhau tiền đạo che cổ tử cung thì em bé sẽ không sinh thường được, nhau bong non sẽ khiến mẹ mất máu nhiều nên em bé không còn nguồn dinh dưỡng có thể dẫn đến tử vong… Tiếp đến phải kể tới bệnh lí y khoa của người mẹ, chẳng hạn như cổ tử cung hẹp, có tiền sử về bệnh tim thì người mẹ không sinh thường được. Việc sinh mổ gặp không ít bất lợi: Do dùng dao rạch da nên trong một số trường hợp em bé có thể chạm vào dao mổ, đầu em bé cao vẫn phải dùng kẹp để lấy em bé ra, có khả năng bị nhiễm trùng tỉ lệ 6/100, tổn thương bàng quang là 1/1.000, tổn thương niệu quản là 3/1.000, có tác dụng phụ từ thuốc mê, thuốc tê, mổ nhiều sẽ bị vỡ tử cung, bánh nhau ở vị trí bất thường gây chảy máu có thể nguy hiểm cho người mẹ…
Nghiêm Quế
Không nên tin vào bói toán
Hiện nay, có không ít gia đình đi xem bói và thầy bói nói phải sinh đúng vào giờ đó, ngày đó thì mới có được đứa con giỏi giang, thông minh, hợp tuổi bố mẹ… Theo BS. Phương đó là việc không nên vì nó có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. BS khuyên nên sinh theo chỉ định của sản khoa trên từng trường hợp cụ thể.
 
 

Bình luận (0)