Từ bao đời nay, dạy học luôn được xã hội tôn vinh là: “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Dưới ánh nắng mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học. Bởi lẽ, dạy học là việc xây dựng nước nhà trong tương lai, dạy học là việc vun bồi cây thơm, trái ngọt cho đời, dạy học là việc kiến tạo nên tâm hồn của thế hệ kế cận. Bởi thế, dù ở thời đại nào, nghề dạy học cũng đều cao quý.
Nên sớm đưa dạy thêm trở thành nghề kinh doanh có điều kiện
Ngày nay, với xã hội hiện đại, việc ba mẹ tìm thêm thầy cô để con đi học ngoài giờ là điều hết sức bình thường và đúng đắn. Hết giờ học của con, ba mẹ chưa hết giờ làm, thay vì để con la cà trong các quán nét, tiệm cà phê để rồi có thể bị lôi kéo bởi đối tượng xấu thì việc gửi con cho thầy cô để tăng cường thêm kiến thức thì đúng là một công đôi việc. Thầy cô vừa trông trẻ, vừa dạy thêm kiến thức, vừa làm thêm được bài tập, trẻ lại đỡ phải rong ruổi đi chơi. Như thế, nó xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Suốt thời gian qua, trên các diễn đàn xã hội đã có một số phát biểu “cấm giáo viên dạy thêm học thêm”. Thiết nghĩ, một khi cấm đoán như thế thì phải có giải pháp làm sao cho giáo viên có một cuộc sống tốt hơn. Ai cũng biết thế hệ thầy cô hiện nay là những thế hệ được đào tạo bài bản chính quy đạt chuẩn và trên chuẩn, do vậy việc thầy cô sống và lao động bằng nghề chân chính thì có gì sai đâu để mà cấm.
Nói thẳng với nhau rằng: mọi người, mọi ngành đều phải đi làm thêm để cải tạo cuộc sống. Thầy cô dạy thêm ngoài giờ thì học sinh được cơ hội tăng thêm kiến thức, tỉ lệ đậu các kỳ tuyển sinh cao hơn. Bộ GD-ĐT kiến nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tôi cho rằng đó là phù hợp, cần thiết.
Tuy nhiên, việc dạy thêm để quản lý tốt hơn, tránh những hệ lụy không đáng có thì cần được tổ chức dạy thêm ngay trong chính ngôi trường giáo viên đang công tác, như vậy sẽ mang lại nhiều cái lợi: Tận dụng được tối đa cơ sở vật chất đang có của nhà trường, tạo phúc lợi cho đơn vị, địa phương có thu thuế; Đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy; Cấp quản lý của nhà trường có cơ sở để giám sát, để ngăn chặn và để giải quyết những vụ việc không đúng chuẩn của việc dạy thêm học thêm; Học sinh có môi trường học khang trang, phụ huynh cũng an tâm khi gửi con theo học.
Việc tìm giải pháp quản lý tốt việc dạy thêm học thêm sao cho việc này trở thành một việc chính đáng là điều nên làm và phải làm sớm. Cần tránh những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm học thêm như: Học thêm để biết đề trước, học thêm được ưu ái hơn (đối xử thiếu công bằng), học thêm thì có hiện tượng “Chân ngoài dài hơn chân trong” (nội dung dạy trong trường ít dạy ngoài nhiều). (ThS. Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân).
Cần thêm nhiều giải pháp để trả lời câu hỏi làm thế nào để dạy thêm là phù hợp
Kiến nghị đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ GD-ĐT theo tôi tổng thể chỉ là một công cụ để các ngành liên quan cùng ngành giáo dục quản lý việc dạy thêm học thêm. Kiến nghị này không thể giải quyết được câu hỏi làm thế nào để việc dạy thêm học thêm là phù hợp. (PGS.TS Dương Bá Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).
Nếu không quản lý sẽ tràn lan dạy thêm học thêm
Là một phụ huynh có 2 con nhỏ đang học bậc tiểu học, nhiều năm nay tôi cũng cho con tôi đi học thêm tiếng Anh vào cuối tuần và học thêm một số môn học khác vào cuối giờ học do không có khả năng đón con sau giờ tan học. Rất nhiều phụ huynh cho con học thêm cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự giống tôi, khi con không chỉ được kèm cặp thêm về kiến thức mà còn được giáo viên quản lý trong thời gian ba mẹ chưa đón được.
Bộ GD-ĐT tiếp tục kiến nghị đưa dạy thêm vào danh mục ngành kinh doanh có điều kiện (ảnh minh họa)
Như vậy, việc dạy thêm học thêm xuất phát trước hết là từ nhu cầu của phụ huynh học sinh chứ rất hiếm trường hợp mà giáo viên o ép để cho học sinh phải đi học thêm. Vì thế, đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để tăng cường quản lý giám sát là điều cần thiết và phù hợp.
Tuy nhiên, đi cùng với kiến nghị này, tôi cho rằng công tác quản lý, giám sát cần phải tăng cường hơn nữa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường cùng địa phương và các cấp quản lý, để làm sao khi dạy thêm học thêm được hợp thức hóa sẽ không bị biến tướng tràn lan, không có hiện tượng thầy cô bớt kiến thức trên lớp để dạy ở lớp học thêm, để làm sao việc học thêm không quá trở nên nặng nề với học sinh. (Chị Nguyễn Thúy Hằng (phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, TP.Thủ Đức).
Đỗ Yến (ghi)
Bình luận (0)