Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nên sử dụng tiết sinh hoạt lớp có hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Tiết sinh hoạt lớp (SHL) còn gọi là tiết “Chủ nhiệm” có một vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học của nhà trường. Vì từng lớp có mạnh thì nhà trường mới mạnh và ngược lại. Do đó, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) được gọi là “cánh tay nối dài” của ban giám hiệu (BGH); vì nhà trường không thể bao quát hết mọi hoạt động của học sinh (HS), mà chỉ có chủ nhiệm mới có điều kiện sâu sát với từng HS cụ thể!

Vai trò cần thiết của GVCN được ghi nhận như vậy nhưng không phải người nào cũng ý thức sâu sắc được điều ấy. Bằng chứng là nhiều tiết SHL diễn ra chóng vánh, qua loa vì GVCN còn phải tất bật về nhà lo cơm nước; có khi phải đi chợ, đón con và nhiều công việc khác đang chờ… Hơn nữa, tiết SHL thường được xếp vào tiết cuối cùng của ngày thứ bảy nên HS thì muốn về sớm sau một tuần học vất vả; GV thì lo không phổ biến hết các nội dung mà BGH yêu cầu nên nhiều khi “chưa trùng khớp” với tâm lý học sinh…

Để khắc phục những hạn chế đó và sử dụng tiết SHL có hiệu quả, có thể thực hiện theo các bước sau:

Một: GVCN trước hết phải sắp xếp việc nhà một cách khoa học vì trong tuần chỉ có một tiết SHL. Không thể viện cớ có việc nhà mà không tận dụng hết 45 phút SHL quy định. Đây cũng là một tiết học, có phân công trong thời khóa biểu nên không thể cắt xén thời gian được. Tiếp đó, phải sắp xếp các nội dung cần phổ biến, cái nào nói trước, cái nào nói sau theo tính chất quan trọng, cấp bách của từng vấn đề. Không nên “đụng đâu nói đấy” rất dễ trùng lắp hoặc phổ biến không hết cho lớp. 

Hai: Dành thời gian thỏa đáng cho việc đối thoại với HS về những mặt hoạt động của lớp, của nhà trường. Ghi nhận những ý kiến phản biện của HS; lắng nghe HS phản ánh những mặt tích cực, những mặt cần phải điều chỉnh, sửa đổi… VD. Tiết học buổi chiều vào lúc mấy giờ thì hợp lý vì nếu cứ giữ nguyên 13 giờ 30 phút như hiện tại thì HS ở xa về không kịp nghỉ ngơi, chỉ kịp ăn cơm lại phải tới trường… Từ thực tế đó, GVCN tập hợp để gửi về BGH xem xét, giải quyết hợp tình hợp lý hơn.

Ba: Tổ chức văn nghệ, đố vui hoặc những trò chơi sinh hoạt tập thể (GVCN và lớp đã có chuẩn bị sẵn) để tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong lớp với nhau. Một khi đã có sự chia sẻ, đồng cảm với nhau thì lớp sẽ đoàn kết; không chia phe nhóm để cùng chung một mục đích là đưa lớp đi lên…

Bốn: GVCN nhận xét những mặt mạnh yếu của lớp trong tuần và biểu dương những gương học chuyên cần, rèn luyện tốt đồng thời nhắc nhở, phê bình những HS thực hiện nội quy chưa tốt để các em cố gắng khắc phục… Những nội dung có tính chất “nhạy cảm” như thông báo những HS chưa đóng tiền học phí, tiền học nâng cao… thì nên gặp riêng vì hoàn cảnh mỗi em một khác; không nên đưa ra công khai giữa lớp để tôn trọng các em.

Năm: Có những phần quà (dù nhỏ, mang tính tượng trưng) cho những HS có ngày sinh trong tháng hoặc có đóng góp cho lớp trong tuần (một cuốn “Áo trắng” hoặc “Mực tím” hoặc một cuốn sách dạy làm người…). Những món quà tuy nhỏ nhưng được tặng đúng lúc, đúng nơi sẽ làm cho các em nhớ mãi…

Làm công tác chủ nhiệm phải biết hy sinh, coi công việc là niềm vui, niềm hạnh phúc của nghề giáo… Chỉ có những người giàu tấm lòng, giàu tâm huyết; luôn bao dung, độ lượng và nghiêm khắc mới thực hiện tốt vai trò của một người làm chủ nhiệm!

Hoàng Sa Vit

 

Bình luận (0)