Một trong những hợp phần cụ thể quan trọng nhất khi xây dựng hệ sinh thái số trong trường học là xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu, định danh và xác thực với từng cá nhân.
Hệ thống định danh và dữ liệu số được xây dựng trên cổng SSC đã đưa ra được các giải pháp ứng dụng, triển khai áp dụng thành công với các hệ thống thông tin của các cơ quan giáo dục trên toàn thành phố và hoàn toàn có thể mở rộng để áp dụng với các hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước và khu vực tư nhân như một nền tảng cho định danh số trong thời gian tới.
Với quan điểm công khai, minh bạch, phục vụ tiện ích hàng đầu, lấy mục tiêu chung tay phát triển cùng ngành GD-ĐT TP nói chung và phát triển nền giáo dục cá nhân nói riêng, SSC kết nối, cung cấp các thông tin mã hóa đảm bảo đủ an toàn bảo mật hỗ trợ trong quản lý hành chính, dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết các vấn đề liên quan trong quản lý hành chính trong trường học thông qua kênh thanh toán điện tử SSC.
Qua bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu thành công trong nền tảng thanh toán, SSC tiến tới mở rộng mô hình ứng dụng hệ sinh thái số vào phát triển nền kiến thức, trí tuệ thông qua “thư viện thông minh”. Cùng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, SSC đem hoạt động thư viện tiến thêm một bước mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, điều hành cũng như khai thác tài nguyên số.
Thư viện thông minh được phát triển trên nền tảng công nghệ số hiện đại như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật… cung cấp cho người dùng các sản phẩm và dịch vụ thư viện (ở cả không gian vật lý và không gian số) nhanh chóng, tiện lợi, thân thiện, thông minh. Được hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tối đa, người dùng tự tin tương tác với thư viện thông minh như giao tiếp với một con người thực sự.
Trước đây, khi nói tới thư viện, thường người ta nghĩ tới một không gian giới hạn với các tủ, kệ đơn điệu và đầy ắp sách, mấy bộ bàn ghế đọc và cô thủ thư quản lý thư viện. Điều đó là đúng và luôn luôn đúng, nhưng từ nửa sau thế kỷ XX, một loại hình thư viện mới – thư viện số (digital library) xuất hiện và phát triển, kết nối với nhau tạo thành hệ thống thư viện trực tuyến mở. Người sử dụng thư viện không nhất thiết phải đến trụ sở thư viện như trước đây mà có thể sử dụng thư viện tại nhà, tại nơi làm việc hoặc bất kỳ chỗ nào khác có kết nối mạng. Và như vậy, trụ sở thư viện không còn chỉ đơn thuần là các tòa nhà trong một khuôn viên mà còn bao gồm cả “trụ sở ảo” trên mạng. Các tài liệu đọc trên thư viện điện tử vô cùng phong phú về định dạng, đáp ứng nhu cầu thông tin bạn đọc mà thư viện sách giấy thông thường không truyền tải được như: phim, nhạc, audio… Để đáp ứng nhu cầu ngày càng hiện đại của bạn đọc tại chỗ, thư viện ngày nay không chỉ được đầu tư về không gian cho nội thất thư viện, các kệ sách giấy mà còn thực hiện việc số hóa tài liệu song song, đầu tư các trang thiết bị để sử dụng được tài nguyên số hóa như máy tính bàn, máy tính bảng, màn hình tương tác thông minh, ti vi…
Thư viện là không gian học tập chung của nhà trường, là nơi giúp cho giáo viên và học sinh học tập, bổ sung và cập nhật kiến thức, là trung tâm của các hoạt động kết nối và làm việc nhóm của học sinh; nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo và phát huy trí tưởng tượng của học trò, nhằm xây dựng và phát triển năng lực tự học, năng lực giao tiếp, năng lực ngôn ngữ và sáng tạo cho người học, hình thành và nuôi dưỡng các phẩm chất nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm cho học sinh.
“Chúng ta cần nghiên cứu để tổ chức thư viện thành không gian mở, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp học liệu. Cán bộ thư viện cần làm tốt công tác tuyên truyền giới thiệu sách để thu hút học sinh đến thư viện nhà trường. 4 yếu tố gồm: nguồn tài liệu, cán bộ thư viện, người đọc, cơ sở vật chất/hạ tầng kỹ thuật cần được liên kết, đồng bộ để phát huy hiệu quả hoạt động thư viện trong các nhà trường”, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT từng nhấn mạnh khi làm việc với ngành GD-ĐT TP.HCM gần đây.
P.V
Bình luận (0)