Báo cáo mới từ Trung tâm Quốc gia về Phục hồi khí hậu Breakthrough ở Melbourne (Úc) cảnh báo rằng với tốc độ biến đổi khí hậu hiện nay, vào năm 2050, trái đất sẽ hứng chịu sự sụp đổ sinh thái toàn cầu.
Các nhà khoa học tính toán rằng nếu khí thải nhà kínhkhông được kiểm soát tốt hơn, vào năm 2030, phát thải khí nhà kính toàn cầu sẽ lên đỉnh điểm. Hậu quả là đến năm 2050, Trái đất sẽ ấm lên 3 độ C.
Trái đất sẽ trở thành "hành tinh chết", nền văn minh của loài người sẽ sụp đổ trong vài thập kỷ tới nếu biến đổi khí hậu không được chặn đứng
Con số tưởng chừng nhỏ đó sẽ đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống rừng nhiệt đới Amazon, Bắc Cực, các rạn san hô toàn thế giới… Ở các vùng nhiệt đới, điều kiện nhiệt độ nóng đến chết người sẽ tồn tại ít nhất 100 ngày mỗi năm. Tần suất các sự kiện thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, lũ lụt, bão sẽ tăng lên chóng mặt.
Để sinh tồn, con người ở các khu vực như Tây Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông buộc phải di cư đến vùng ôn đới. Ngoài ra, nhiều quốc gia ở vùng đất thấp ven biển có nguy cơ bị xóa sổ một phần hoặc hoàn toàn khỏi bản đồ thế giới. Chưa kể, sự thay đổi này khiến các vùng còn trồng trọt được giảm tới 1/5 năng suất cây trồng. Điều này sẽ gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Cuộc đại di cư, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng… có thể làm bùng phát nhiều dịch bệnh, chiến tranh, gây hỗn loạn mọi trật tự xã hội và cuối cùng là khiến nền văn minh mà loài người đã kiên trì xây dựng bấy lâu hoàn toàn sụp đổ.
Tồi tệ hơn, Trái đất sẽ nóng lên tới 5 độ C vào năm 2100 và có thể dần trở thành một hành tinh không thể ở được đối với loài người và nhiều sinh vật hiện hữu khác.
"Ngay cả khi nóng lên chỉ 2 độ C, hơn 1 tỉ người có thể cần phải di cư" – tác giả chính David Spratt, giám đốc nghiên cứu của Breakthrough, viết trong báo cáo.
Các tác giả nhấn mạnh rằng để giảm thiểu rủi ro này, cần huy động một nguồn lực lớn trên toàn cầu để xây dựng một hệ thống công nghiệp không khí thải và có biện pháp phục hồi khí hậu an toàn.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)