Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Nếp sống văn minh, quan chức càng phải nêu gương

Tạp Chí Giáo Dục

Sau Quy định 55 của Bộ Chính trị về chấm dứt xa hoa, lãng phí đồng thời chú trọng nếp sống văn minh, trong đó cán bộ, đảng viên phải nêu gương, Bộ VHTTDL dự kiến siết chặt với một số quy định, chế tài cụ thể hơn trong lĩnh vực này.

Nếp sống văn minh, quan chức càng phải nêu gương
Dư luận trông vào quan chức gương mẫu thực hiện quy định về dự hội, đi lễ trong mùa lễ hội tới. Ảnh: Nguyên Khánh.

Cần chế tài rõ ràng

Quy định 55 của Bộ Chính trị về một số điều cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán  bộ, đảng viên trong đó có đoạn “việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hóa mới theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước, phù hợp thuần phong mỹ tục”. Đây không phải lần đầu tiên có quy định về nếp sống văn minh đối với cán bộ, nhân dân. Năm 2005, Thủ tướng có quyết định số 308 về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

“Với chức năng, nhiệm vụ của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) chúng tôi sẽ tham mưu, cụ thể hóa những quy định của Bộ Chính trị thành văn bản chỉ đạo, quản lý và đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở cơ sở, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong cán bộ công chức và nhân dân”, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nói. Bà Thủy nói thêm, năm ngoái trong đợt tổng kết 10 năm thực hiện quyết định 308 của Thủ tướng, một loạt giải pháp đã được đưa ra: Đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào Nghị quyết nhiệm kỳ của Đảng bộ, Chi bộ để lãnh đạo chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường thanh kiểm tra, xây dựng chế tài xử lý vi phạm.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao đổi với Tiền Phong: “Nếp sống văn minh nếu chỉ phát động không thôi thì không khả thi, phải có chế tài cụ thể. Tôi rất ủng hộ quy định của Bộ Chính trị vì nêu được đầy đủ các tiêu chí, các việc cần thực hiện”. Ông cho rằng muốn thực hiện nếp sống văn minh cần làm được hai bước, đó là khuôn mẫu ứng xử và xây dựng các chế tài để thực hiện, đó chính là quy chế dành cho đảng viên, cán bộ công chức.

“Tôi cho rằng phải có hai loại chế tài, thứ nhất là chế tài hành chính, thứ hai là dư luận xã hội”, TS Sơn nói. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia đồng tình, xưa phép vua thua lệ làng, dư luận xã hội đúng hướng cực kỳ quan trọng. Thêm nữa các đoàn thể, tổ chức xã hội đều có điều lệ, kỷ cương ai vi phạm đều phải chịu sự điều chỉnh.

Quan chức phải nêu gương

Lâu  nay các quy định về nếp sống văn minh trong đám cưới, việc tang, lễ hội và các hoạt động khác ở trong tình trạng “đánh trống bỏ dùi” vì quy định chung chung và thiếu cơ chế giám sát, chế tài xử lý. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng nếu nói bộ quy tắc chung chung cho toàn xã hội thì rất mơ hồ, chỉ là mong muốn -kể cả bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội-, nhưng xây dựng quy tắc trong không gian văn hóa, văn minh nhỏ lại khả thi và thiết thực.

“Vấn đề ở đây là nên giải quyết vấn đề từ vi mô hơn đi ngay vào vĩ mô. Chúng ta nên đi từ việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn của ngành, đoàn thể, cơ quan, các tổ chức xã hội trước. Tại sao ngành ngân hàng, hàng không ăn mặc lịch sự, giao dịch chuẩn mực được. Trong môi trường ngành, đoàn thể con người có điều kiện để rèn luyện, nếu vượt khỏi quy chuẩn của ngành hay đoàn thể đó bị đào thải ngay”, ông nói.

Các ngành, đoàn thể đều có điều lệ, kỷ cương riêng, ai vi phạm đều bị xử lý. Trong các cơ quan, tổ chức xã hội chế tài bình đẳng cho mọi người, đặc biệt người đứng đầu phải gương mẫu, nghiêm túc mới mong xử lý được người khác. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn nhấn mạnh đã là quan chức rồi sinh nhật, cưới xin càng không nên rùm beng. 

Mùa lễ hội đang tới gần, một trong những điều quan tâm của người dân là quan chức, cán bộ công chức nhà nước có thực sự tuân thủ quy định nêu trên, dù đương nhiên quan chức có quyền dự hội, đi lễ. “Cái tôi quan tâm trước hết là cán bộ lãnh đạo từ trên xuống phải nghiêm túc với câu chuyện đó. Chẳng hạn các vị ấy không nên cung tiến quá nhiều cho các cơ sở tâm linh, nhiều khi sự công đức còn làm hỏng di tích với đồ cung tiến không phù hợp ấy”. PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn cũng nhấn mạnh khía cạnh không sử dụng xe công đi lễ, tránh sử dụng giờ hành chính để du xuân, đi lễ.

Điều này được nêu rõ trong công điện của Thủ tướng ban hành đầu năm 2016: Các đơn vị không tổ chức du xuân, liên hoan sa đà, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

Nguyên Khánh (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)