Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nét đẹp thầm lặng của người chiến sĩ qua bài thơ “Áo người yêu”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người đã từng biết đến những bài thơ của tác giả Đinh Thị Thu Vân viết về đề tài người chiến sĩ (Tình yêu của em đã bắt đầu như thế; Con tem quân đội; Áo người yêu), trong đó hình ảnh người chiến sĩ hiện lên thật đẹp cả về vóc dáng lẫn tâm hồn. Người chiến sĩ luôn nhận được những tình cảm yêu thương tha thiết, đó là nguồn động viên, là sức mạnh tinh thần để họ vượt qua mọi thử thách, gian truân.


Đinh Thị Thu Vân vừa là bút danh vừa là tên thật, sinh năm 1955, quê xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Bài thơ “Áo người yêu” nằm trong số 3 bài của nhà thơ được tặng giải thưởng Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1981

Bài thơ “Áo người yêu” ra đời năm 1987, những năm tháng gian khổ, khó khăn khi đất nước còn thời bao cấp và chiến tranh còn hiện diện ở hai đầu biên giới. Người yêu giặt và phơi áo cho anh chiến sĩ trong những ngày từ chiến trường về phép thăm nhà là chuyện rất bình thường, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Sự quan tâm đó phần nào đền bù những năm tháng cách xa; làm cân bằng tâm lý của hai người. Chiếc áo màu xanh thân thuộc, gắn bó với người chiến sĩ trên mọi nẻo đường đất nước; nơi chiến hào đầy khói súng, mảnh bom đạn và bụi đất. Chiếc áo cũng như con người, thật bình thản lạ lùng! Từng băng qua lửa đạn, từng gian khổ hành quân, từng vượt qua bao hiểm nguy mà giờ đây vẫn toát lên một màu xanh bình dị. Nhìn “dáng áo”, người yêu liên tưởng đến “dáng anh”; dáng hình thân thương, gần gũi (Dáng áo cũng trầm như dáng anh/ Về phép chưa quen nắng phố mình/ Để em nhìn chiếc sào phơi mãi/ Chỉ sợ nắng làm áo phai xanh). Chiếc áo xanh bộ đội giờ đây cũng có hồn, mang đậm những nét thân quen của người mình thương nhớ. Áo chỉ quen nơi chiến trường, nơi núi rừng biên giới đầy khói lửa, khốc liệt nhưng chiếc áo ấy cũng rất hiền lành, giản dị như người chiến sĩ khi về nơi phố thị ồn ào.

Người yêu của anh chiến sĩ thật tinh tế, thật giàu sức tưởng tượng! Từng chi tiết nhỏ trên chiếc áo khiến người yêu liên tưởng đến những tháng ngày xa cách nhau. Từng sợi vải đơn sơ bỗng hóa lung linh bởi một tấm lòng thương nhớ vô  bờ (Sợi vải nào thương anh giữa đêm?/ Sợi vải nào vương hơi thở mềm?/ Sợi vải nào nhớ vùng ngực ấm?/ Sợi vải nào tương tư áo em?). Phải là người yêu của lính chiến trường; biết sẻ chia, biết thấu cảm, biết chịu đựng nỗi xa cách vì nhiệm vụ mới có được cảm nhận vô cùng sắc sảo, đầy tình yêu thương, cảm động như thế! “Sợi vải” giờ đây không còn là “sợi vải” vật chất mà trở thành hơi ấm của hậu phương; hơi ấm của tình yêu nơi quê nhà tiếp thêm sức mạnh cho người lính. Cách nói thật giàu tính biểu tượng, sắc sảo trong suy tư cùng với nhịp thơ dồn dập như hơi thở gấp càng khiến khổ thơ trở nên sinh động khác thường. Một loạt câu hỏi tu từ xuyên suốt khổ thơ càng làm tăng lên nỗi niềm thương nhớ của người ở hậu phương. Một sự liên tưởng lạ, ít nghe nhà thơ nữ viết bao giờ “vương hơi thở mềm; nhớ vùng ngực ấm; tương tư áo em”, mà đắc địa nhất là hình ảnh “nhớ vùng ngực ấm”. Rất mộng mà rất đời, rất thực mà rất có duyên; vẫn giữ được nét tinh tế có chiều sâu của cảm xúc. Từng sợi vải đan xen nhau cũng như từng nỗi nhớ đan xen vào nhau; trong nỗi nhớ có giận hờn, trách móc; có mong chờ, khắc khoải từng đêm… Tất cả dệt nên khúc tâm tình độc thoại của cô gái trước tấm áo màu xanh bạc màu sương gió, khói lửa chiến trường (Sợi vải nào tương tư áo em?). “Sợi vải nào” trong màu áo ấy nhớ về em không? Hướng về em và dành cho em không? Một câu hỏi nhỏ thôi mà chứa cả một nỗi giận hờn đáng yêu trong đó. Chiếc áo càng được nhân hóa nên càng sinh động, càng có  hồn. Nói chuyện cùng chiếc áo hay cô gái đang trực tiếp trò chuyện cùng người yêu trong tâm tưởng (Đất bụi chiến trường dấu ở đâu/ Áo anh chưa chịu nói câu nào/ Lần lựa em tìm trong gấu áo/ Bụi đỏ hay là nỗi khát khao?). Với hình ảnh “đất bụi chiến trường”, “áo anh chưa chịu nói” đã khắc họa nên hình ảnh người chiến sĩ ở đây thật khiêm nhường, không muốn nói nhiều về chiến tranh; không muốn nói về mình, về bao gian khổ; về hy sinh, mất mát mà anh và đồng đội vừa trải qua. Nhìn chiếc áo phơi trong nắng, tự tay giặt chiếc áo, tìm trong gấu áo những vết tích chiến trường; cô gái khám phá được bao điều mới mẻ về người chiến sĩ. Nếu nhìn bề ngoài, không thể nào hiểu hết tâm hồn người chiến sĩ đâu! Phải có cái nhìn thấu cảm, có cái nhìn thương yêu thật lòng mới hiểu phần nào! Họ bình dị mà cao cả trong tâm hồn, trong cách nghĩ, cách sống… Người lính khiêm nhường, lặng thầm nhiệm vụ, lặng thầm trong cả tình yêu đôi lứa. Chiếc áo ở đây đã cùng anh qua những vùng đất, vùng trời biên giới khói lửa; chắc hẳn áo không thể quên những tháng ngày ác liệt, gian khổ mà vẫn thầm lặng giữ trong mình. Khoảng trời biên giới dường như vẫn nhắc tới tên bao chiến sĩ ngày đêm bảo vệ từng tấc đất biên cương ngày nào (Chắc là nhớ lắm trời biên giới/ Áo cứ trở mình khi gió lên/ Em muốn giữ chân, không dám nói/ Sợ lời mềm yếu áo không quen). Tác giả (nhân vật em) khá hiểu biết tâm lý về người chiến sĩ khi viết khổ thơ này! Đã sống quen nơi chiến trường, quen hơi bén tiếng, hiểu nhau về đồng đội; họ coi nhau như anh em ruột thịt một nhà, nếu một khi được trở về hậu phương, người lính vẫn không nguôi nỗi nhớ về đơn vị. Từ một sự việc có thật: áo phơi khô, gặp gió thổi thì bay lắc qua lắc lại nhưng tác giả đã nhân hóa chiếc áo, thổi hồn vào chiếc áo, khiến chiếc áo biết “trở mình”, biết thao thức không yên khi nhớ làm sao khoảng trời nơi biên giới đầy kỷ niệm. Người con gái ở đây cũng thầm hiểu lòng người yêu: anh không quen lời mềm yếu vì phía trước là nhiệm vụ đang chờ. Tình yêu thời chiến tranh là vậy, không có thời gian dành cho nhau nhiều nên nhiều khi họ hiểu tình cảm dành cho nhau từ ánh mắt, từ cử chỉ, thái độ của nhau. Chiếc áo xanh cũng là hiện thân người chiến sĩ; luôn thầm lặng hy sinh, thầm lặng nhận về mình bao khó khăn, vất vả để giữ gìn cuộc sống bình yên (Áo đã cùng em qua chiến tranh/ Nắng mưa chỉ muốn chịu riêng mình/ Ngắm áo, em trách tay vụng quá/ Giặt thế nào không xóa nếp nhăn?). Thật đúng như vậy, với tâm tư, phẩm chất của người chiến sĩ, họ tâm nguyện một điều “Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường giục giã bước

 hành quân”. Khi làm xong nhiệm vụ đối với đất nước; làm xong bổn phận của người trai thời chiến, họ trở về nơi mảnh đất quê hương với lòng chung thủy “Ngày đi tóc hãy còn xanh/ Mai về dù bạc tóc anh cũng về – Tố Hữu). Với từng trận đánh, trước kẻ thù, người chiến sĩ rất dũng cảm, gan dạ. Trước tình yêu đôi lứa, người chiến sĩ trao hết bao tình thương nỗi nhớ cho người chờ đợi. Với người yêu, anh chiều chuộng hết lòng. Ở đây, nét đẹp càng được nhân lên bởi một tình yêu dung dị mà không kém phần say đắm, mãnh liệt (Ôi áo sinh ra chỉ biết chiều/ Sinh ra chỉ biết tặng tình yêu/ Thương áo mấy, vẫn ngờ chưa đủ/ Ngỡ thương anh còn thiếu bao nhiêu).

Cuộc đời người chiến sĩ có được niềm hạnh phúc khi có một “hậu phương” vững mạnh; luôn một lòng thủy chung, son sắt. Tình yêu của họ không ồn ào, không phô trương mà sâu đậm sự cảm thông, thấu hiểu; sâu đậm tình cảm chân thật, bởi nét đẹp chân thành vốn có nơi con tim.

Lê Đức Đồng

* Tài liệu tham khảo: Thơ tình yêu – NXB Văn hóa Thông tin, 2003.

Bình luận (0)