Đừng để nét đẹp văn hóa tặng quà Tết bị biến tướng. Ảnh: Mai Nam |
Từ xưa, cùng với tục lệ mừng tuổi đầu năm, tặng quà Tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống. Những món quà tặng vào dịp Tết đến, xuân sang thường mang nhiều giá trị về mặt tinh thần, là cách để người tặng quà bộc lộ sự tri ân chân thành đối với những người thân trong gia đình, dòng tộc hoặc những người có công giúp đỡ, dạy dỗ mình. Trong khi tặng quà, người tặng có thái độ kính trọng, quý mến còn người nhận quà thì bày tỏ sự trân trọng. Cả người tặng và người nhận quà đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái, không câu nệ, tính toán, so đo. Mối quan hệ tình cảm giữa người tặng và người nhận quà vì thế mà càng trở nên bền chặt. Đáng nói là, trong những năm gần đây, trước sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, những toan tính vụ lợi và cám dỗ vật chất đã khiến cho nét đẹp văn hóa này ít nhiều bị biến tướng.
Sự biến tướng thể hiện trước hết ở giá trị vật chất “trên mức tình cảm” của món quà tặng cũng như cách thức, mục đích tặng quà. Nếu như trước đây, việc biếu quà Tết thuần túy thể hiện sự quý mến, kính trọng, những vật phẩm mang biếu cũng đậm nét văn hóa thì ngày nay, việc biếu quà Tết đã “thay hình đổi dạng” đi nhiều. Thay vì những món quà bình dị, dân dã như: hộp mứt, gói trà, chai rượu quê… yếu tố vật chất trong các món quà tặng được không ít người coi trọng, đề cao. Không chỉ là chai rượu ngoại, két bia nhập khẩu hay chậu đào, chậu quất có giá tiền triệu, “tấm lòng” của người tặng quà nhiều khi được đo bằng độ dày, mỏng của chiếc phong bì. Khi mà yếu tố vật chất được đề cao, việc biếu quà không còn dựa trên “lòng thành” như vốn có mà dựa trên mối quan hệ thứ bậc, chức vụ theo kiểu “có qua, có lại”. Chưa bàn tới việc “xuất xứ” của những món quà biếu là từ túi cá nhân hay tiền tập thể, ngân sách, hình ảnh nhân viên, cấp dưới năm hết Tết đến “ăn chực nằm chờ” ở nhà cấp trên chỉ để đưa quà khiến cho người dân không khỏi hồ nghi, bàn tán, mất niềm tin.
Thời gian qua, các cấp, các ngành đã ban hành nhiều quy định nghiêm cấm việc lợi dụng công quỹ để biếu, tặng quà Tết cho cán bộ, lãnh đạo cấp trên. Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Công chức cũng đã có sự điều chỉnh đối với việc tặng quà và nhận quà của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, các bộ luật nêu trên đều có các điều khoản nghiêm cấm các hành vi sử dụng tài sản của nhà nước và của nhân dân trái pháp luật. Việc nghiêm cấm tệ nạn biếu xén vật chất với mục đích vụ lợi được dư luận đồng tình, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước kiên quyết đương đầu với nạn “chạy” chức, “chạy” quyền, quyết tâm đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Những quy định mang tính công cụ hành chính nêu trên là hết sức cần thiết, song nó chỉ thật sự phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống khi có sự gương mẫu chấp hành của các cấp lãnh đạo, sự đồng lòng thực hiện của cả hệ thống chính trị, đồng thời, có cơ chế giám sát hữu hiệu của nhân dân. Chỉ khi thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, những hiện tượng biến tướng trong việc tặng quà dịp Tết mới có thể được loại bỏ, từ đó, trả lại nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có của nó.
Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên Trường THPT Kim Liên –
Nam Đàn – Nghệ An)
Bình luận (0)