Nhà báo và nhà giáo đều là những ngành nghề quan trọng có liên quan đến nhận thức con người trong dòng chảy kiến thức và hình thành kỹ năng. Nhà báo và nhà giáo tưởng chừng xa lạ trong thế giới nghề nghiệp nhưng thực ra cũng có những nét tương đồng thú vị qua những minh chứng sống động và khoa học.

Thu thập thông tin
Thu thập thông tin là việc làm đầu tiên của nhà báo và nhà giáo. Với giáo viên, căn cứ vào chuẩn kiến thức của chương trình theo từng đối tượng, bên cạnh dữ liệu nền trong sách giáo khoa, thầy cô phải thu thập thông tin từ sách tham khảo, báo chí, mạng internet… để phục vụ cho những tiết dạy của mình. Quy tắc vàng là phải chặt chẽ với thông tin, chọn lọc được dữ liệu phục vụ cho bài giảng. Chủ đề bài học cần phải được thẩm thấu và hiểu rõ để có được những thông tin sắc sảo làm minh chứng khoa học trong những hoạt động sư phạm của người thầy. Với nhà báo, cuộc sống đa dạng luôn diễn biến và tạo ra những cái mới. Những người bình thường nhìn thấy những sự kiện đó nhưng không quan tâm bởi không thuộc lĩnh vực nghề nghiệp của họ. Thế nhưng, với đôi mắt và tư duy nhạy cảm, nhà báo nhìn ra đó là đề tài báo chí. Khởi nguồn từ những đề tài này, nhà báo bắt đầu thu thập thông tin qua việc thâm nhập vào cuộc sống một cách kiên trì và bền bỉ, bởi quá trình thu thập thông tin là một trong những cách tích lũy vốn sống lâu dài phục vụ cho công việc chứ không đơn thuần là đáp ứng nhu cầu trước mắt. Một nhà báo nhạy cảm là người có thể tìm thấy những thông tin mới từ những điều tưởng chừng như đã cũ, bởi kỹ năng phán đoán và tìm ra chữ “tứ” trước khi dùng chữ “ý” để viết lên những lời bằng chính tư duy của mình.
Xử lý thông tin
Việc xử lý thông tin rất quan trọng với nhà giáo lẫn nhà báo. Với giáo viên, những kiến thức trong sách giáo khoa hay những tài liệu tham khảo, hình ảnh minh họa… sẽ trở nên vô nghĩa nếu không biết cách làm thế nào để phát huy tác dụng hữu hiệu. Căn cứ vào khung năng lực và phẩm chất của từng khối lớp giảng dạy, giáo viên sẽ biết linh hoạt thế nào để lượng thông tin mình có được đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Lấy ví dụ, một bài toán cổ mà ngày xưa đi học với những cách giải khác nhau nhưng cuối cùng cũng ra một đáp số duy nhất: Vừa gà vừa chó/ Bó lại cho tròn/ Ba mươi sáu con/ Một trăm chân chẵn/ Hỏi có mấy gà, mấy chó? Khi học số học, học sinh giải theo cách đặt giả thuyết tạm. Khi học đến đại số ở chương trình lớp 9, học sinh có thể sử dụng cách giải phương trình. Dù giải theo cách nào cuối cùng cũng tính được là 14 con gà và 22 con chó. Mở rộng ra những môn học khác, cũng là một chủ đề dạy học nhưng lượng kiến thức được quy định khác nhau tùy theo tâm sinh lý lứa tuổi, bậc học. Điều quan trọng với người thầy là làm thế nào giúp học sinh mình hiểu được định lượng kiến thức ấy để vận dụng vào thực tế. Với nhà báo, sau khi thu thập thông tin thì việc đầu tiên suy nghĩ đến là chừng đó lượng thông tin có đủ để đưa lên báo chưa? Có cần đào sâu thêm thông tin không? Nếu vội vàng sẽ ăn non và tạo điều kiện để người khác khai thác đề tài của mình! Phải có thông tin cần và đủ bài viết mới có giá trị. Chuyện nhiều tờ báo khai thác một đề tài là chuyện bình thường. Vấn đề là nhà báo nào tìm được cái lạ hơn, cái hay hơn, cái mới hơn và sâu sắc hơn đó là những tiêu chí quan trọng trong việc xử lý thông tin cho bài viết, tương tự như giáo viên lên kế hoạch bài dạy trong môi trường sư phạm.
Truyền tải thông tin
Với định lượng kiến thức từ bài giảng đã được hình thành, việc quan trọng không kém với người thầy là làm thế nào để học sinh thẩm thấu và áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế cuộc sống. Trong hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực, nếu giáo viên có được nhận thức đúng đắn, tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm cao cùng với kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học, nghiệp vụ sư phạm để tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập tốt thì sẽ mang lại kết quả khả quan cho người học. Có những đề tài không mới nhưng vẫn được bạn đọc đón nhận bởi cách viết hay, có những góc nhìn độc đáo khác lạ, mang tính sáng tạo trong cách thể hiện đó là những tiêu chí thiết yếu trong việc truyền tải thông tin của nhà báo đến với công chúng. Những cái tôi trần thuật, cái tôi thẩm định, cái tôi cảm xúc của nhà báo không tách bạch riêng rẽ mà xen kẽ một cách hài hòa, uyển chuyển để đưa những chi tiết rời rạc vào một bức tranh có bố cục hoàn chỉnh, làm cho những con số khô khan trở nên sống động, làm cho vấn đề dễ đi vào lòng người và tồn tại lâu bền hơn. Bài báo không giống một đống hỗn độn các thông tin thu thập được mà là sản phẩm do phóng viên tạo nên từ các thông tin đó. Nói cách khác là tay nghề người viết được bạn đọc trân trọng với phong cách, sử dụng ngôn ngữ, diễn đạt lập luận thông qua nguồn thông tin đã được xử lý một cách chu đáo cho những sản phẩm báo chí với những cách trình bày đa dạng như mô hình tam giác ngược, viên kim cương, đồng hồ cát…, giống như giáo viên với các thủ thuật giảng dạy phù hợp và đạt hiệu quả cao trong giáo dục.
Phản biện thông tin
Trên trang báo hiện nay, không khó để gặp những dòng phụ chú như “Nhân đọc bài viết…” hay “Phản hồi bài viết…”. Đây là những minh chứng cho việc phản biện thông tin trong báo chí. Cùng một đề tài nhưng có thể ở góc nhìn khác nhau tùy theo kinh nghiệm sống, lĩnh vực nghề nghiệp và ngay cả lượng thông tin. Bài viết của nhà báo hoàn thành không có nghĩa là vấn đề, sự kiện sẽ ngừng hoạt động. Ngược lại, mọi thứ vẫn tiếp diễn với sự tương tác giữa bạn đọc và người viết từ những hiệu ứng xã hội để từ đó phóng viên sẽ có những phản hồi tích cực cũng như hình thành nên những ý tưởng mới để tiếp tục đề tài sâu và rộng hơn. Trong lĩnh vực giáo dục, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin nên trường học không phải là nơi duy nhất học sinh tiếp nhận kiến thức. Nếu học sinh chịu khó nghiên cứu, học hỏi, có đôi khi kiến thức còn vượt xa cả những gì trong sách giáo khoa. Tranh luận và có ý kiến phản biện với giáo viên không còn xa lạ với giáo dục hiện nay. Học sinh có thể có ý kiến khác với thầy cô nếu có lập luận và cơ sở khoa học chứng minh cho nhận định của mình. Người thầy phải biết linh hoạt trong ứng xử sư phạm giúp các em biết giải quyết vấn đề một cách có căn cứ để lĩnh hội và tích lũy kiến thức trong quá trình học tập – Đây chính là phản biện thông tin trong nghề dạy học.
Mỗi người trong cuộc sống có nhiệm vụ và công việc được giao. Nhà báo hay nhà giáo đều có những nguyên tắc, quy phạm và những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp để nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ và cống hiến cho xã hội. Với cá nhân tôi, công việc của một nhà giáo được hỗ trợ rất nhiều từ những kỹ năng mềm của một nhà báo nghiệp dư trong tôi khi tham gia viết bài cho những tờ báo, tạp chí mình yêu thích và dĩ nhiên trong đó không thể thiếu Tạp chí Giáo dục TP.HCM!
Lê Tấn Thời
Bình luận (0)