Nếu bạn còn trẻ, hãy 'đi Tibet'. Nếu bạn không còn trẻ, hãy 'về Tibet'. Nếu biết đi Tây Tạng đúng cách, bạn sẽ trở về như một con người mới.
Potala
Chi phí đi Tibet hay Tây Tạng thật sự không rẻ, nó mắc ngang hay mắc hơn một chuyến đi Châu Âu. Tôi đến Tibet năm 23 tuổi, với số tiền tương đương khoảng 5 tháng lương của mình bấy giờ (50 triệu đồng).
Thế nhưng nếu biết đi đúng cách, bạn sẽ trở về như một con người mới. Hay nói khác hơn bạn thấy phản phất ở Tibet một điều gì đó thân quen dẫu chưa tới bao giờ.
Hãy đi Tibet không phải để check-in hồ Yamdrok, để "chiêm ngưỡng" cung Potala hay đi Everest Base Camp cho có ảnh với người ta. Mà bạn hãy đi để thấy sự thịnh suy, được mất thoáng qua như một giấc mộng.
Bạn sẽ có cơ hội đi qua những đền thờ đổ nát, qua vết tích thời gian, qua cung Potala vẫn còn phát năng lượng nhưng dần lịm đi, lạnh lẽo dần. Đi để thấy những người Tạng lầm lũi hành hương 3 bước đi một bước lạy. Trong cơn mê man vì say độ cao, khi thấy họ, tôi thấy cả hình ảnh những đoàn hành hương Thiên Chúa Giáo vượt bao hiểm nguy đến Jerusalem năm xưa.
Potala về đêm
Đến Tibet, bạn thấy sức mạnh của niềm tin, tinh thần, là vẻ đẹp của loài người ngay cả ở bất cứ thời khắc khó khăn nào.
Hãy đến Tây Tạng để tận mắt nhìn nắng gió mây trời hòa quyện xoay chuyển. Như tôi nghe được trong tuyệt đối tĩnh lặng, những cơn gió kể về những câu chuyện xa xưa, thấy những áng mây như đang mang trầm luân của kiếp người, hòa tan vào hư vô.
Bạn hãy vào một tu viện nho nhỏ không rõ tên, nhìn những ngọn đèn bơ, những dấu vết thời gian, nhìn sâu vào ánh lửa. Tôi chợt nhìn thấy cả mình với những tham sân si.
Nhìn những thân cột bạt màu, những bức tường nứt nẻ như chứng nhân cho bao kiếp người trôi qua. Tu viện vẫn ở đó, quan sát trong im lìm nhân tình thế thái, dòng đời đổi thay.
Đi Tây Tạng để thấy thức ăn ngon, dở chỉ là một phạm trù tương đối và chỉ là cảm giác. Đi để về sống bình dị hơn. Dĩ nhiên bởi vì không có gì là tuyệt đối, nên có người đi về cũng vậy, hay chả ngộ, chả biết, chả thấy gì.
Nhưng dù sao, khi còn có thể, hãy đi Tibet. Lời khuyên của tôi là nếu bạn đi theo nhóm thì không nên đi quá đông trên 8 người.
Tôi đã đến Tibet và ở đó tất cả 16 ngày. Vậy mà lòng vẫn cứ mong quay trở lại khi đủ duyên. Bạn hãy thu xếp đi, nếu có thể, để viết nên câu chuyện của bạn, nghiền ngẫm cuộc đời của riêng mình.
Đi Tây Tạng, ngắm nắng gió mây mưa trong cơn thinh lặng chiều hoang. Hãy để thiên nhiên tẩy rửa bao buồn lo của bạn, rửa trôi sân si dòng đời. Ít ra là sạch bớt một tí, nếu không trôi hết.
Nắng gió mây mưa…
Trăng rằm ở Lhasa
Những con người Tibet lặng lẽ, im lìm và trầm mặc
Hồ Yamdrok
Yumbulakang
Lặng yên…
Còn ta với nồng nàn
Trẻ em Tây Tạng
Những lá cờ này rồi sẽ bạt màu, tòa tháp kia rồi sẽ điêu tàn sụp đổ, như nhân sinh thôi…
Tôi đứng đấy, trong giá lạnh ở vùng Himalaya mùa đông ngắm ánh trăng rằm vằng vặc.
Đến khoảnh khắc một áng mây nhẹ trôi ngang và bấm máy. Không hẳn chờ đợi cũng không hẳn ngước nhìn lên ngẫu nhiên.
Chỉ là một cái bấm máy dường như được thiên nhiên dành tặng cho mình. Tôi đã ở đấy vào đúng lúc và vị trí đó, vào thời điểm rằm… là duyên. Hẳn như vậy.
Trên con phố mùa đông xơ xác vắng lặng, tôi cảm thấy lòng mình vui khoan khoái, một cảm giác ấm áp nhẹ lan tỏa.
Ở Tây Tạng, tất cả đều là cơ duyên, bạn ạ.
Bài, ảnh: Hoàng Lê Giang/ TTO
Bình luận (0)