Vấn đề nhức nhối của xã hội lâu nay là chuyện dạy thêm, học thêm. Nói là tổ chức học thêm nhưng thật ra vẫn là những kiến thức trong chương trình nhưng thầy cô cho học trước mấy bữa, làm bài tập trước để đến tiết học đó (theo kế hoạch) lên lớp thầy cô không giảng kỹ thì trò vẫn làm được bài, được điểm cao, còn em nào không học thêm sẽ bí, sẽ bị điểm thấp.
Thế là thầy cô đã tạo ra “sự tự nguyện” đi học thêm của các học sinh còn lại. Chuyện này ai cũng biết nhưng chống mãi không được, vì sao?
Nếu hết lòng vì học sinh thì thầy cô nào cũng biết sẽ chỉ phụ đạo cho những em “mất cơ bản” chứ không phải dạy thêm tràn lan để làm khổ học sinh, khổ phụ huynh vì thêm lần đưa đón và tốn kém tiền bạc.
Ở một lớp 9 của trường THCS thuộc Q.Tân Bình (TP.HCM) năm học 2007- 2008, giờ học công nghệ cô giáo phổ biến cho tất cả học sinh phải mua vật liệu (khoảng 13 chi tiết) để lắp ráp bảng điện chuẩn bị tiết học tới tại lớp. Mỗi học sinh chi khoảng 40.000 đồng, lớp 9 đó gồm 50 học sinh, vậy cả lớp sẽ tiêu tốn 2 triệu đồng cho một giờ học (vật liệu này sau khi học sẽ bỏ đi).
Nếu xuất phát từ lòng thương yêu học sinh, mong muốn các em tiếp thu kiến thức và thực hành thành thạo giờ học công nghệ này, cô giáo chỉ cần phân lớp thành năm tổ hoặc mười tổ chung tiền mua vật liệu rồi thực tập trước ở tổ. Khi đến lớp chỉ còn là bốc thăm biểu diễn thao tác và cô giáo cho điểm. Cách học này vừa gây hứng thú cho học sinh và biết đâu phụ huynh có người lại giỏi “tay nghề” lắp ráp hơn cô giáo, mà lại tiết kiệm được một khoản tiền (nếu chia làm năm tổ tiết kiệm được 1,8 triệu đồng, chia làm mười tổ thì tiết kiệm được 1,6 triệu đồng).
Gia đình em nào quá nghèo, các bạn cùng tổ có thể miễn góp, các bạn khác góp tăng lên cũng là một dịp để các em gần gũi, thông cảm hoàn cảnh của nhau, chia sẻ những khó khăn trong quá trình học tập.
NGUYỄN THỊ THƯƠNG (TTO)
Bình luận (0)