Cuối buổi học, một học sinh nam (trong lớp tôi chủ nhiệm) ăn mặc gọn gàng, gương mặt sáng sủa chạy theo tôi vào phòng giáo viên. Tôi hỏi có chuyện gì không em? Ban đầu hơi tự tin, vài phút sau em không còn giữ được vẻ tự nhiên nữa mà như muốn khóc và thổ lộ: “Các bạn luôn chê bai em là kẻ keo kiệt, bủn xỉn nhưng em không phải như vậy!”.
Chuyện là em thường sử dụng ba chiếc bút với ba màu xanh, đen, đỏ khác nhau để viết nháp. Trong lớp chỉ mình em dùng bút màu xanh viết lên tờ giấy nháp, sau đó dùng bút màu đỏ, cuối cùng dùng màu đen viết chồng lên. Khi em trình bày thì tôi chợt nhớ về quá khứ thời học sinh của mình. Thực ra ngày trước tôi cũng làm y như vậy, vì thiếu thốn khó khăn nên tận dụng tờ giấy nháp đến ba lần như chính học trò mình vừa nói đến. Còn bây giờ không đến nỗi các bậc phụ huynh thiếu tiền sắm cho con một tập giấy nháp. Nhưng theo em học sinh trên thì “không phải em tiết kiệm nhưng khi sử dụng một giấy nháp với ba loại bút khác nhau, em giữ được các ý tứ lời văn trên cùng một tờ giấy. Em cũng không viết nháp quá kín nên em có mọi ý, mọi đáp số, mọi số liệu trên đó không phải lật qua lật lại để xem”.
Ngẩng đầu nhìn tôi như chờ đón sự đồng cảm, em nói: “Thưa thầy, em luôn thấy vui khi nhìn lại trang giấy nháp, xem lại kết quả đạt được thể hiện trên tờ giấy lộn xộn làm em thỏa mãn. Nhưng nhiều bạn chê bai, dè bỉu, xỏ xiên làm em “bị quê” lắm ạ”.
Hôm sau bước vào lớp, tôi kể cho các em nghe câu chuyện về tâm tư của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần khi nhà văn Mạc Can hỏi: “Ông Thuần nè, ông sống có vui không?”. Khi đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần mới nghĩ rằng “thường thì khi còn là một đứa trẻ, mọi người hay hỏi chúng ta, con có ngoan không, học có giỏi không. Lớn lên tí thì học đứng thứ mấy. Lớn hơn nữa thì học trường gì, nghề gì. Ra trường thì hỏi đi làm chưa, được bao nhiêu tiền… Mọi người thường hỏi nhau về danh vọng, tham vọng, người ta ít hỏi nhau về niềm vui, hạnh phúc nhỏ thường ngày. Mọi người ít khi hỏi nhau sống có vui không, có thấy cuộc sống hạnh phúc không? Không chỉ đối với người khác, thậm chí mọi người cũng quên luôn việc hỏi chính mình câu hỏi đó”.
Tôi nói điều đó không phải bảo vệ cách làm của học sinh trên vì như thế sẽ làm hại đôi mắt bởi điều tiết nhiều mà bảo vệ “cái làm cho em cảm thấy vui”, theo tôi là một ý niệm cần cho học sinh để cân bằng cảm xúc trong cuộc sống.
Tôi tâm tình cùng các em: “Giống như nhà văn Mạc Can đã hỏi nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, các em nên hỏi bạn mình có vui khi học với thầy cô không, bạn có vui khi đi học ở đây không, bạn có vui với việc học môn này không thay vì chê trách hành động cá nhân của bạn bè. Giá như tất cả các em đều hỏi nhau câu hỏi về việc tìm kiếm niềm vui hằng ngày hằng giờ trong mỗi ngày đến trường, mỗi giờ học đi qua, mỗi bài tập các em làm và mỗi lời các em cất lên với bạn mình. Hãy cứ làm nếu điều đó làm các em thấy vui, dù có khác bạn mình đi chăng nữa, miễn sao không ảnh hưởng công việc và nhân phẩm mọi người”.
Nguyễn Minh Thanh (TP.HCM)
Bình luận (0)