Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nếu tách khỏi ‘ba chung’, trường tôi sẽ ít điểm 0

Tạp Chí Giáo Dục

“Có lẽ không nên sử dụng 3 chung mãi được bởi sự phát triển của các trường nhất là những trường lớn, trọng điểm. Trường chúng tôi đã từng lên phương án, xin Bộ GD-ĐT cho được tách khỏi “3 chung" nhưng không được. Nếu có chuyện này (trường được tách ra tuyển sinh) hẳn ĐH Sư phạm sẽ không có nhiều điểm 0 ở môn Sử năm nay.
Không chỉ buồn vì đề thi môn Lịch sử năm nay “có vấn đề” và đánh đố học sinh. GS.TS NGƯT Đỗ Thanh Bình, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có những chia sẻ thẳng thắn về ý kiến “Đưa môn sử ra khỏi ba chung”.
Không trà nước, GS.TS Đỗ Thanh Bình cứ thế nói một mạch, như muốn xả ra nỗi lòng bấy lâu. Mở đầu buổi trao đổi, trò chuyện vị GS chán nản cho biết: “Là người trực tiếp tham gia công tác chấm thi, xem đề thi và đáp án năm nay mình thực sự thất vọng. Đề thi vừa sai, vừa không chuẩn, đáp án cũng vậy.
GS.TS NGƯT Đỗ Thanh Bình
Vừa không chuẩn, lại sai quá nhiều
PV: GS.TS có thể chỉ rõ những điểm sai hay chưa chuẩn trong đề thi môn Lịch sử ĐH năm nay?
GS.TS NGƯT Đỗ Thanh Bình: Câu I: Phân tích nguyên nhân ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. (3 điểm)
Ít khi ta hỏi như vậy. Nếu hỏi phân tích nguyên nhân bùng nổ hay thất bại của phong trào cách mạng còn được. Trong câu này nếu chính xác câu hỏi phải là “Phân tích bối cảnh ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành”.
Tiếp đó, câu hỏi hỏi nguyên nhân nhưng đáp án lại là trình bày bối cảnh. Thế nên mỗi học sinh lý giải theo những cách khác nhau. Có em nói vì quê nghèo, bị đuổi khỏi trường Dục Thanh hay gia đình làm quan nên Nguyễn Tất Thành phải ra đi.
Câu II: Luận cương chính trị tháng 10-1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương có những điểm gì khác so với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam? Những vấn đề đó được giải quyết như thế nào trong giai đoạn 1939-1945?
Câu này có hai vế với các từ cần quan tâm là: so sánh và giải quyết.
Nhưng quả thật, người ra đề không nắm được trình độ của học sinh. Câu này hỏi sinh viên chuyên Sử còn khó chứ chưa nói đề kiến thức đã được học của học sinh cấp III. Đáp án cho vế hỏi này cũng không đúng.
Nhiều học sinh vì thấy câu hỏi là so sánh nên lập bảng so sánh sau đó rút ra nhận xét. Đáp án không có phân so sánh mà chỉ có 2 ý nhận xét.
Vế thứ hai “giải quyết” mới là sai trầm trọng. Trong đáp án chỉ nói về nhiệm vụ, chủ trương của 2 hội nghị TW6 và TW8. Tôi muốn nhấn mạnh đến từ chủ trương. Đó chưa phải là giải quyết. Nếu hỏi là “Những vấn đề đó là được Đảng chủ trương giải quyết như thế nào trong giai đoạn 1939-1945” thì không có gì.
Câu III: Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954-1975), nhân dân Việt Nam đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mĩ cút” bằng thắng lợi nào? Nêu tác động của thắng lợi đó đối với sự phát triển của cách mạng miền Nam.
Đây là câu hỏi mập mờ, không rõ ràng. Đọc câu hỏi này học sinh sẽ nghĩ ngay đến một chiến thắng về mặt quân sự. Thậm chí, trong các giáo viên còn tranh cãi, có người còn nghiêng về sự kiện “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Tuy nhiên đáp án chỉ có một và là việc “Ký kết hiệp định Paris”.
Học sinh rõ ràng quá dễ để mất, không được điểm ở câu hỏi này.
Câu IVa. Khát quát quá trình hình thành và phát triển của tổ chức liên kết chính trị-kinh tế lớn nhất hành tinh từ năm 1951 đến năm 2000.
Đáp án của Bộ GD-ĐT: EU là sai. Đúng phải là Liên Hợp Quốc. Nếu câu hỏi thêm hai từ “khu vực” thì EU sẽ là đúng. Học sinh lại dễ “ăn” điểm 0 vì câu hỏi này.
Câu IVb. Tóm tắt sự ra đời của các quốc gia độc lập ở Đông Nam Á trong năm 1945.
Câu hỏi không chuẩn, đã “ra đời” sao còn phải thêm “độc lập”? Nếu hỏi là “Tóm tắt việc giành độc lập của các quốc gia Đông Nam Á trong năm 1945” thì được.
Thí sinh trong phòng thi ĐH
Điểm 0 là vì thế
PV: Giáo sư có ngạc nhiên chuyện nhiều bài làm môn Lịch sử năm nay có nhiều điểm thấp, điểm 0?
Nhìn lại điểm thi năm ngoái so với năm nay không ai không ngạc nhiên, đặt ra câu hỏi. Nhưng việc có hàng ngàn điểm 0 môn Sử lỗi nhiều ở đề thi năm nay. Vậy nhưng một số vị tham gia công tác ra đề vẫn trả lời trên báo chí rằng đề năm nay hay.
Chính vì đề này nên nhiều học sinh trượt oan là vì thế. Người chấm thì phải căn cứ vào đáp án của Bộ, cứ không theo đáp án là sai, là gạch.
Nhiều người sau khi biết điểm thi môn Sử thì vội quay sang đổ lỗi cho người học, việc học Sử hiện nay. Điều đó không thực sự công bằng cho chúng tôi”.
Ba chung như thế, HS sẽ càng vất hơn
PV: GS có ý kiến gì về đề xuất “Đưa môn Sử ra khỏi ba chung” của PGS. TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQG TP.HCM?
Vấn đề này cần phải xem xét kỹ lưỡng, không khéo tới khi thực hiện sẽ càng rắc rối hơn. Từ trước đến nay học trò và người dạy vẫn xác định tư tưởng học gì thi nấy. Mà mục tiêu lớn nhất từ trước tới nay của các em vẫn là đỗ ĐH. Đã không phải thi nữa các em học càng lớt phớt, chểnh mảng, không thực sự coi trọng.
Riêng với chuyên ngành Lịch sử, nếu thi thêm môn Toán là không cần thiết, gây khó khăn, vất vả cho học sinh khi phải học 4 môn. Môn Văn, Anh thì còn được và cần thiết.
Lịch sử là bộ môn cần thiết và không nên bỏ thi. Ngay như nếu anh không học sử, muốn tới đâu xin việc ở các công ty khi phỏng vấn, người ta cũng thường có câu hỏi về lịch sử xem có hiểu biết tối thiểu về lịch sử dân tộc anh hay không, và từ đó có trách nhiệm với đất nước, với công ty nơi anh ta làm.
Có lẽ cũng không nên sử dụng 3 chung mãi được bởi sự phát triển của các trường nhất là những trường lớn, trọng điểm. Nhà trường chúng tôi đã từng lên phương án, xin Bộ cho được tách khỏi 3 chung nhưng không được. Nếu có chuyện này (trường được tách ra tuyển sinh) hẳn ĐH Sư phạm sẽ không có nhiều điểm 0 ở môn Sử năm nay.
Ngày trước, chưa có 3 chung khi chấm thi tuyển sinh đại học chúng tôi đều cho giáo viên ngồi thảo luận rất kỹ về đáp án, nếu sai hoặc chưa chuẩn thì sửa để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Cảm ơn GS.TS NGƯT Đỗ Thanh Bình vì những chia sẻ chân thành, cởi mở của ông!
Theo Văn Chung
(vietnamnet)

Bình luận (0)