Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

New Zealand phát triển mô hình giáo dục toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ, đồng thời cũng sẽ phân lại vị thế tương lai của các nền kinh tế. Năng lực của các quốc gia trong quá trình lèo lái vượt qua “cơn lốc công nghệ” thế kỷ 21 sẽ phụ thuộc rất lớn vào giáo dục.

Công nghệ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực để thúc đẩy giáo dục ở New Zealand

Tại Diễn đàn lãnh đạo các ĐH APEC với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0” (đây là một trong những hoạt động bên lề của Hội nghị APEC 2017 vừa qua), ông Grant McPherson, Tổng Giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục New Zealand – ENZ, đã chia sẻ về mô hình giáo dục toàn diện, bền vững của New Zealand, giúp chuẩn bị cho những biến đổi toàn cầu trong tương lai gần.

Tư duy mới

Ông Grant McPherson nhấn mạnh rằng kiến thức ngày nay không chỉ gói gọn trong các môn học truyền thống, mà để thành công trong tương lai, các bạn trẻ phải được trang bị một tư duy linh hoạt và kỹ năng biết ứng dụng kỹ thuật số.

Đề cập tới mô hình giáo dục sáng tạo của New Zealand, ông Grant McPherson chia sẻ cách mà nước này đã xây dựng hệ thống giáo dục để sánh vai với các cường quốc giáo dục trên thế giới. Hơn thế nữa, cách tiếp cận của giáo dục New Zealand là “Think New – Tư duy mới” và phương pháp dạy – học theo dự án, đặt trọng tâm vào óc tò mò của học sinh – sinh viên (HSSV); đồng thời HSSV cũng có nhiều lựa chọn về hình thức học tập của mình. Theo ông, mối liên kết giữa các trường ở New Zealand và doanh nghiệp, cũng như nền văn hóa đa quốc gia tôn trọng những quan điểm khác biệt của nước này đã góp phần giúp cho các tân cử nhân ở đây vừa có bằng cấp được công nhận rộng rãi, vừa nắm vững các kỹ năng thực tiễn. Ông  cho biết: “Để các bạn trẻ thành công trong thế giới ngày càng “phẳng”, giáo dục các nước cần phải mở cửa đón nhận những tư tưởng mang tính toàn cầu. New Zealand đã làm rất tốt ở mặt này khi trở thành điểm đến du học uy tín, thu hút hơn 131.000 SV tới từ 180 quốc gia trên thế giới”. Nỗ lực đó mang đến thành tựu đáng kể như việc một số trường ĐH của New Zealand lọt vào Bảng xếp hạng QS Graduate Employability Rankings năm 2017, danh sách này xếp hạng 300 trường ĐH hàng đầu thế giới dựa trên 5 tiêu chí nhằm đánh giá tình trạng việc làm của SV sau khi tốt nghiệp.

Đầu tư phát triển công nghệ

New Zealand cũng sớm xác định rõ vai trò của công nghệ số trong học đường. Ông Grant Mcpherson cho biết quốc gia này đã có quá trình chuẩn bị từ rất lâu để thực hiện việc số hóa nền giáo dục. Theo đó, Chính phủ New Zealand đã mạnh dạn đầu tư 700 triệu đô la vào cơ sở hạ tầng công nghệ và huấn luyện chuyên môn; 98% các trường học ở New Zealand được kết nối internet tốc độ cao. Hệ thống trực tuyến này phủ sóng đến từng giáo viên, từng HSSV, làm thay đổi cách HSSV tiếp cận bài vở, thay đổi phương thức dạy và học, đồng thời giúp HSSV trở nên yêu thích và thành thạo công nghệ hơn.

Ông Grant McPherson, Tổng Giám đốc điều hành của ENZ

Diễn đàn lãnh đạo các ĐH APEC đã nêu ra những thách thức mà các nền giáo dục trong khu vực phải đối mặt. Theo đó, diễn đàn tập trung vào việc các nền giáo dục trên thế giới đã chuẩn bị như thế nào để đào tạo lực lượng lao động đáp ứng những yêu cầu của kỷ nguyên số. Trong khi nhiều quốc gia vẫn còn đang bàn cãi về những thách thức và cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0, New Zealand đã và đang ở tư thế sẵn sàng với nền giáo dục được chuẩn bị kỹ để đón đầu tương lai.

Quan tâm tới tính bền vững

Tại New Zealand, khung chuẩn giáo dục quốc gia tập trung vào việc học tập trong thế kỷ 21, đảm bảo người trẻ được trang bị đầy đủ kỹ năng để đóng góp cho xã hội nơi mình sống nói riêng và thế giới nói chung. Một khía cạnh quan trọng khác là khuyến khích HSSV quan tâm đến các vấn đề nổi bật trong tương lai, ví dụ như các chương trình phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi phương pháp giảng dạy và học tập phải được thiết kế trên nền tảng sư phạm vững chắc, hiệu quả và trao quyền cho HSSV, để các em có thể tự tạo ra một tương lai bền vững. Ông Grant Mcpherson chia sẻ: “Bền vững luôn là một vấn đề quan trọng đối với New Zealand, không những trong giáo dục mà còn ở các khía cạnh môi trường, kinh tế, văn hoá hay chính trị, xã hội. Chúng ta cần phải học cách sống thông minh hơn để giảm tác động của con người tới môi trường vì thế hệ tương lai”.

Có thể nói, mô hình giáo dục toàn diện này đã mang đến thành quả là New Zealand được xếp hạng đầu bảng trên toàn thế giới ở Chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai (Educating for Future Index) năm 2017 của Economist Intelligence Unit.

Ngọc Thanh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)