Nằm trong chương trình cải cách giáo dục của Liên bang Nga, dự án “Kỳ thi quốc gia chung” thống nhất trên toàn quốc đã được tiến hành những bước thử nghiệm đầu tiên từ năm 2001, và mỗi năm trên các phương tiện truyền thông đại chúng đều rộ lên những bàn cãi nảy lửa xung quanh vụ cách tân này.
Ý tưởng của những nhà cải cách giáo dục của Nga là tiến hành cuộc sát hạch chung dành cho những học sinh năm cuối THPT toàn nước Nga, có cùng nội dung, hình thức và thang điểm. Kết quả của nó sẽ là cơ sở để cấp bằng tốt nghiệp phổ thông cũng như tương lai sẽ thay thế cho kỳ thi đại học. Điểm nhấn của kỳ thi là hình thức thi trắc nghiệm.
Năm nay, các thí sinh đã trải qua 13 môn thi, trong đó có hai môn bắt buộc là tiếng Nga và toán. Nếu năm 2001 chỉ có năm vùng có thí sinh tham gia kỳ thi, thì năm 2008 có hơn 1 triệu học sinh trên toàn nước Nga dự thi.
Kết quả công bố trên internet đã khiến nhiều người bị “sốc” về chất lượng học tập của học sinh phổ thông Nga. Có đến 1/4 thí sinh bị điểm 2 ở môn tiếng Nga và toán. Người ta đã thốt lên: “Chắc bọn chúng (học sinh) đợi Pushkin sống dậy mà trả lời bài thi môn tiếng mẹ đẻ hộ chúng!”.
Thế nhưng, ngược lại, phản hồi từ phía học sinh và phụ huynh cũng khá mạnh. Họ nghi ngờ sự chính xác của việc chấm bài – quá trình nhập dữ liệu của phần thi trắc nghiệm vào máy tính. Đương nhiên, thí sinh được quyền viết đơn phúc khảo nhưng thủ tục làm việc này không mấy đơn giản, và các bậc phụ huynh được một phen chạy đôn chạy đáo!
Chủ tịch Thượng viện Nga Sergey Mironov đề nghị xem xét lại việc đưa vào thực hiện luật về tiến hành đại trà “kỳ thi quốc gia chung” trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga từ tháng 1-2009. Ông cho rằng quá vội để đi đến quyết định ấy, khi bản thân kỳ thi cũng như mọi bất cập của nó vẫn đang gây xôn xao dư luận. Nhiều nhà giáo dục cảnh báo về áp lực thi cử đè nặng lên học sinh, nhất là khi kết quả thi lại được công bố công khai rộng rãi trên internet, và kết quả ấy lại quan trọng tới mức ảnh hưởng đồng thời đến việc tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học của các em.
Ngoài ra, rất nhiều nhà giáo Nga không đồng tình với hình thức thi trắc nghiệm. Chẳng hạn, bà Nadezhda Krotova, Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Văn hóa nghệ thuật quốc gia Matxcơva, khẳng định hình thức thi trắc nghiệm được xây dựng trên những cơ sở khác với cơ chế tiếp nhận thông tin trong tâm lý trẻ là nhớ các dữ kiện theo logic. Thi trắc nghiệm khiến trẻ phải nhớ các chi tiết phụ nhiều hơn, dẫn đến việc thần kinh của học sinh rất nhanh mệt.
Thậm chí, chủ tịch Quĩ giáo dục toàn Nga, ông Sergey Komkov, gần đây còn lên tiếng với phóng viên báo mạng KM.ru rằng việc bắt học sinh thử nghiệm thi cử là việc làm trái với hiến pháp và có thể bị kiện ra tòa (theo điều 21, mục 2, hiến pháp Liên bang Nga)!
Tuy nhiên, kết quả “nghiêng về điểm 2” của kỳ thi vừa qua không khiến các quan chức quá hoảng sợ mà nghĩ đến chuyện hoãn đưa dự luật về kỳ thi chung vào áp dụng trong năm tới. Thực tế là nó đã được trì hoãn kéo dài – “hẹn lần lữa” trong mấy năm liên tiếp. Bà Liubov Glebova, trưởng ban giám sát Liên bang Nga về lĩnh vực giáo dục và khoa học, cho rằng kết quả của “kỳ thi quốc gia chung” cho thấy toàn cảnh thực trạng giáo dục ở Nga, đập tan những ảo tưởng. Song không vì thành tích mà đồng ý bỏ kỳ thi. Việc quan trọng hơn là làm sao củng cố đội ngũ giáo viên, tăng cường chất lượng dạy và học, tạo điều kiện cho học sinh chuẩn bị tốt mặt bằng kiến thức để bước vào cuộc thi năm sau.
Nền giáo dục Nga Xô Viết trước đây từng được coi là nền giáo dục ưu việt, thể hiện qua số lượng rất lớn chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau, những người được hưởng nền giáo dục ấy. Sau khi Liên Xô tan rã, nó vẫn được tiếp nhận và đánh giá cao ở các trung tâm khoa học kỹ thuật quốc tế.
Tuy nhiên, việc đổi mới nội dung và hình thức của giáo dục Nga cũng rất cần thiết để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của xã hội và thế giới. Song đáng tiếc là trong quá trình cải cách, đôi khi người ta đã không thận trọng, dễ dàng bỏ đi những nguyên tắc, phương pháp luận đã từng được kiểm chứng hiệu quả trong nhiều thập niên.
Một ví dụ nhỏ: giờ đây nhà trường không bắt buộc học sinh lớp 1 dùng bút chì hoặc bút máy để tập viết nữa mà có thể dùng bút bi. Điều này từng được các nhà nghiên cứu tâm sinh lý trẻ em khẳng định là có hại đối với thể lực, dẫn đến ảnh hưởng về tinh thần, năng lực tập trung của trẻ!
(Theo giaovien.net)
Bình luận (0)