Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin tranh cử với tư cách ứng viên độc lập trong cuộc bầu cử diễn ra từ ngày 15 đến 17-3 tới
Truyền thông Nga ngày 25-2 đưa tin một số vùng xa xôi hẻo lánh ở Viễn Đông đã tiến hành bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống.
Hãng tin TASS dẫn lời ông Igor Shamraev, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử vùng Kamchatka, cho biết khoảng 30.000 người tại đó có thể bỏ phiếu sớm, trong số này có nhân viên trạm khí tượng, người trông hải đăng, quân nhân ở các tiền đồn hẻo lánh…
Tại Cộng hòa Yakutia, khoảng 129.000 cử tri ở các vùng hẻo lánh dự kiến bỏ phiếu sớm. Trong khi đó, tại vùng Khabarovsk, bỏ phiếu sớm được tổ chức cho người dân ở những khu vực khó tiếp cận, người làm việc trong các ngành công nghiệp gỗ và khai thác mỏ, nhân viên trạm khí tượng…
Hơn 4.000 cử tri tại các địa phương xa xôi thuộc khu tự trị Chukotka cũng tham gia bỏ phiếu sớm. Ông Nikolai Goncharov, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Chukotka, cho biết các thành viên ủy ban này sẽ tiếp cận họ bằng trực thăng và xe địa hình. Theo quy định, các khu vực có thể bắt đầu giai đoạn bỏ phiếu sớm sau ngày 25-2 nhưng phải hoàn thành trước ngày 14-3.
Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã ấn định thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống là ngày 17-3. Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) quyết định bầu cử sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 17-3. Đây là lần đầu tiên, cuộc bầu cử này diễn ra trong 3 ngày.
Một bảng thông báo về cuộc bầu cử tổng thống Nga tại thị trấn Salekhard, vùng Yamal-Nenets hôm 22-2. Ảnh: Reuters
Bà Ella Pamfilova, Chủ tịch CEC, cho biết có 4 ứng viên tranh cử tổng thống Nga, gồm: Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin (tranh cử với tư cách ứng viên độc lập), lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nga Leonid Slutsky, ông Vladislav Davankov (thành viên Đảng Những người mới) và ông Nikolay Kharitonov (Đảng Cộng sản Liên bang Nga).
Theo đài CNN, vòng bỏ phiếu thứ 2 sẽ diễn ra sau đó 3 tuần nếu không ứng viên nào đạt được hơn 50% phiếu bầu.
Bộ Phát triển Kỹ thuật số Liên bang Nga ngày 24-2 cho biết hơn 3 triệu người đã nộp đơn đăng ký tham gia bỏ phiếu điện tử từ xa trong cuộc bầu cử sắp tới. Bên ngoài lãnh thổ Nga, theo CEC, 288 điểm bỏ phiếu sẽ được mở tại 144 nước và công việc này phải hoàn tất trước ngày 9-3.
Theo cuộc thăm dò được Quỹ Dư luận Xã hội (FOM) công bố hôm 21-2, 83% trong số 1.500 người trưởng thành Nga được khảo sát cho biết sẵn sàng tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử. Nếu cuộc bầu cử diễn ra ngày 18-2, khoảng 81% trong số những cử tri này sẽ bỏ phiếu cho ông Putin. Trong khi đó, 2 ứng viên Kharitonov, Slutsky sẽ nhận được 3% phiếu bầu và ông Davankov là 2%.
Trước đó, theo TASS, Trung tâm Nghiên cứu ý kiến công chúng Nga (VCIOM) cũng công bố cuộc khảo sát riêng. Cụ thể, 77% người được hỏi cho biết sẵn sàng tham gia bầu cử. Trong số này, 79% người nói sẽ bỏ phiếu cho ông Putin, 4% nói sẽ chọn ông Davankov và ông Kharitonov, 2% sẽ ủng hộ ông Slutsky.
Hãng tin RIA Novosti hôm 23-2 loan báo một cuộc khảo sát mới khác của FOM cho thấy 82% người Nga được hỏi bày tỏ ủng hộ các hoạt động của Tổng thống Putin. Ngoài ra, 80% người được hỏi khẳng định họ tin tưởng nhà lãnh đạo này. Cuộc khảo sát này được tiến hành từ ngày 16 đến 18-2 với 1.500 người trưởng thành tại 53 địa phương của Nga.
Đảng Cộng hòa Mỹ: Bà Haley nuôi hy vọng mong manh Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sơ bộ của Đảng Cộng hòa, ngay cả lợi thế bang quê nhà cũng không thể giúp bà Nikki Haley có chiến thắng đầu tiên. Chiến thắng áp đảo của cựu Tổng thống Donald Trump ở bang Nam Carolina hôm 24-2 khiến đường đến Nhà Trắng của bà Haley càng bị thu hẹp. Dù vậy, cựu Thống đốc Nam Carolina tuyên bố sẽ không bỏ cuộc. "Bà Haley là một ứng viên tài năng và nhiệt huyết. Câu hỏi được đặt ra là liệu cử tri có đón nhận một ứng viên nào khác ngoài ông Trump hay không" – ông James Hodges, Chủ tịch Công ty Tư vấn McGuireWoods Consulting LLC (Mỹ), nói với trang tin Bloomberg. Ở thời điểm hiện tại, theo giới quan sát, bà Haley vẫn ở lại cuộc đua, một phần để bảo đảm bà trở thành người thay thế ông Trump trong trường họp ứng viên này phải bỏ cuộc vì thách thức pháp lý hoặc các vấn đề sức khỏe không thể lường trước. Ông Trump, 77 tuổi, đang đối mặt với 91 cáo buộc hình sự, trong đó có một số cáo buộc liên quan đến nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Đợt bỏ phiếu lớn tiếp theo sẽ diễn ra tại 15 bang và một vùng lãnh thổ của Mỹ ngày 5-3. Đội ngũ tranh cử của ông Trump kỳ vọng có thể giành đủ số đại biểu để được đề cử làm ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa muộn nhất là vào giữa tháng 3. Trong khi đó, bà Haley có thể chỉ còn hơn một tuần để thuyết phục cử tri Đảng Cộng hòa rằng bà là ứng cử viên sáng giá nhất để đánh bại Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. |
Theo Cao Lực/NLĐO
Bình luận (0)