Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Nga chế tạo lá chắn có khả năng nghiền vụn rác thải vũ trụ

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos vừa sáng chế ra một hệ thống lá chắn bảo vệ vệ tinh trước sự tấn công từ các vật thể bay trong không gian.
Rosmoscos đã nộp bằng sáng chế cho Cơ quan sở hữu trí tuệ Rospaten. Theo đài Sputnik, thiết bị này là một lá chắn hai lớp được làm từ các tấm nhôm, bên ngoài bề mặt bao phủ bởi nhiều gai nhọn hình nón hợp kim cứng đặt so le. Các khoảng trống giữa các hình nón được lấp đầy hợp kim carbon pha thêm sợi carbon. Đây là một vật liệu tổng hợp được sử dụng để chế tạo tàu vũ trụ và mũi tên lửa.
Lá chắn mới giúp bảo vệ vệ tinh khỏi rác vũ trụ.
Lá chắn mới giúp bảo vệ vệ tinh khỏi rác vũ trụ.
Cơ chế hoạt động của thiết bị này là phá vụn vật thể bay trong không gian khi xảy ra va chạm. Các mảnh vụn sẽ phân tán theo các hướng khác nhau, chạm vào đế hình nón của lá chắn bảo vệ. Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống sẽ được thiết kế nhẹ hơn 10% so với lá chắn bằng phẳng thông thường.
Hiện vệ tinh và tàu vũ trụ đang sử dụng nhiều hệ thống lá chắn khác nhau để tự vệ trước “rác thải vũ trụ”. Thậm chí, Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) còn thay đổi cả quỹ đạo khi nguy cơ bùng nổ các vật thể bay dày đặc trong không gian. 
Trước đó, Roscosmos đã phát minh ra vệ tinh có khả năng tự hủy nhằm hạn chế gia tăng khối lượng các vật thể nhân tạo trôi nổi trong không gian. Theo đó, vệ tinh sẽ tự hủy dưới tác động của những yếu tố không gian bên ngoài, chủ yếu là sự đốt nóng. Phát minh về vệ tinh mới yêu cầu sử dụng vật liệu có đặc tính thăng hoa, tức là bỏ qua giai đoạn hóa lỏng, chuyển hóa trực tiếp từ trạng thái rắn sang thể khí mà không biến thành chất lỏng khi bị nung nóng.
Theo Roscosmos, trong không gian gần Trái đất  đang có từ 600 đến 700.000 vật thể mảnh vụn trôi nổi. Năm 2016, các chuyên gia của Roscosmos kết luận nếu vấn đề rác thải vũ trụ không được giải quyết, công cuộc thám hiểm vũ trụ có thể sẽ trở nên trì trệ vì tất cả quỹ đạo gần Trái Đất bị mắc kẹt trong thiết bị phế thải.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)