Một lớp học ở Nga. Ảnh: I.T |
Từ mùa xuân năm 2010, 12.000 trường phổ thông ở Nga phải đưa vào chương trình học các bài học về tôn giáo. Sự chuẩn bị để thực hiện chủ trương này còn sơ sài quá (nội dung dạy, người dạy…) khiến ngành giáo dục ở Nga lúng túng và gặp những khó khăn.
Tôn giáo trở thành môn học bắt buộc
Mới tháng trước, Tổng thống Dmitri Medvedev đã tổ chức cuộc họp tại dinh thự riêng ở Barvikha, gồm các nhà lãnh đạo của bốn tôn giáo (chính thức được công nhận ở Nga là Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và Phật giáo) để thông báo cho họ biết rằng ông đã “bật đèn xanh” cho việc giảng dạy văn hóa tôn giáo và đạo đức trong các trường công. Bề ngoài đa số các khách mời có vẻ cảm thấy đột ngột. Mới trước đó một số vị đã công kích nạn độc quyền của nhà thờ Cơ đốc giáo trong nhà trường. Trong xã hội, cuộc tranh chấp giữa các tôn giáo lúc “sục sôi”, lúc “lạnh tanh”, cứ thế mà diễn ra không ngừng. Bây giờ thì người đứng đầu quốc gia quyết định rằng mọi vấn đề phải “ra ngô, ra khoai” dứt khoát. Do đó người ta cũng hiểu tại sao Mgr Merkouri (tên thường gọi là Ivanov), linh mục ở Zaraisk đã làm việc tất bật trong những tháng sau này. Mùa đông năm nay ông được bổ nhiệm đứng đầu Khoa Truyền giảng và Giáo dục tôn giáo của Nghị hội Tòa thánh La Mã, nên ông nhanh chóng trở thành ủy viên Hội đồng Tiêu chuẩn, bên cạnh Bộ Giáo dục và Khoa học.
Khi quyết định của Tổng thống Medvedev được công bố rộng rãi, các chức trách tôn giáo tỏ ra rằng họ chờ chủ trương này từ lâu rồi, và lâu nay họ rất kiên nhẫn chờ đợi, không hề có sự nghi ngờ, tranh cãi nhau, bất đồng ý kiến với nhau! Tất cả đều tỏ ra hài lòng và tuyên bố sẵn sàng thực hiện chủ trương “sáng suốt” này. Tổng thống lại đưa ra một thời hạn quá ngắn, phải thực hiện ngay vào học kỳ 3 (mỗi học kỳ 3 tháng) của năm học này, trong những lớp trung bình của 12.000 trường của 18 vùng. Điều đó có liên quan đến 256.000 học sinh. Chỉ có 3 năm để rút kinh nghiệm, đến năm 2012, nó phải trở thành một môn học hoàn chỉnh trong chương trình học.
Còn quá nhiều khó khăn
Chương trình đã thực hiện, nhưng bản tổng kết đầu tiên chỉ ra rằng do vội vã, nhiều vấn đề còn bị bỏ quên. Thật vậy, làm sao thực hiện kế hoạch khi phải đào tạo ít nhất 40.000 giáo viên trong nhiều phần bài giảng (lịch sử các tôn giáo truyền thống ở Nga: Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Phật giáo). Phân bố nội dung như thế nào trong 18 vùng, khi phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn môn học của học sinh, theo như đòi hỏi của Tổng thống và Bộ trưởng Giáo dục, Andrei Foursenko. “Nguyên tắc là tính chất thế tục phải bao trùm nền giáo dục này và với điều kiện nội dung phải được tất cả các đại diện cho những đức tin, cũng như cho những người vô thần chấp nhận”, đó là lời phát biểu của Bộ trưởng khi gặp các vị lãnh đạo và các người có trách nhiệm về tôn giáo. Trong các cuộc trao đổi, Tổng thống đã định ra 2 giờ một tuần, nhưng trên thực tế cũng khó có một giờ một tuần cho môn học đó. Hơn nữa các hiệu trưởng đều thấy khó tìm thầy dạy giỏi, mà chỉ dạy mỗi tuần có một giờ.
Những thầy dạy văn và khoa học con người được gửi đi đào tạo, và những giáo sĩ (Cơ đốc giáo), thầy (Hồi giáo), pháp sư (Do Thái giáo), lạt ma (Phật giáo) và những giảng viên Khoa Triết sẽ truyền lại cho các thầy kiến thức cần thiết. Nhưng các tổ chức tôn giáo không có những điều kiện như nhau. Viện Hàn lâm Nga về Giáo dục, người xác định những tiêu chuẩn liên bang, ngay từ bây giờ đã đề nghị bớt đi giờ tiếng Nga. Một điều lạ là vị tộc trưởng ủng hộ ý kiến này, trong khi ông Merkouri, người đã sống lâu năm ở Hoa Kỳ, nơi mà những trường Cơ đốc giáo (dạy vào chủ nhật) lại đấu tranh cho học sinh Nga di cư học tiếng Nga để không quên được tiếng mẹ đẻ. Ông Merkouri không muốn ở tại Nga mà học sinh lại “hy sinh tiếng Nga” vì môn học về tôn giáo, trong khi qua các kỳ thi tú tài, thấy rõ trình độ tiếng Nga của học sinh quá tệ!
Phó giám mục Kirill, người lãnh đạo Hội đồng biên tập sách giáo khoa về “Cơ sở của đạo Cơ đốc”, đề nghị một giải pháp khác. Đó là bớt giờ ở các môn có tính “gợi mở” (tức chỉ dạy ở mức độ giới thiệu, không đi sâu – tác giả), hay là các môn khoa học tự nhiên. Một câu hỏi đặt ra: Vậy những kiến thức sơ đẳng của các quy luật thiên nhiên lại không quan trọng đối với các em bằng “6 ngày Chúa tạo dựng thế giới”? Tranh cãi về vấn đề này (khoa học và tôn giáo) đã tồn tại từ xưa nay mà chưa ngã ngũ, cứ có dịp lại bung ra, rồi lại xếp đó!
Nhưng tại sao lại vội vàng dạy môn học tôn giáo này cho kỳ được vào mùa xuân 2010? Chủ trương này đòi hỏi chuẩn bị kỹ hơn nữa, vì nó đụng chạm đến nhiều vấn đề tế nhị phức tạp, trong khi hiện nay học sinh học những nguyên lý của Cơ đốc giáo với một chương trình và giáo trình kém chất lượng? Tại sao không hoãn lại thời hạn thực hiện chủ trương này để chuẩn bị cho thật kỹ đang là một câu hỏi mà dư luận ở Nga rất quan tâm.
(Theo Courrier international)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)