Hội nhậpThế giới 24h

Nga đề xuất lập tòa án quốc tế xử hải tặc

Tạp Chí Giáo Dục

29 tên cướp biển bị Nga bắt giữ tuần trước có thể ra tòa tại Nga

Tổng thống (TT) Nga Dmitry Medvedev hôm 4-5 đã yêu cầu tổng công tố viên Yury Chaika thảo luận với các đồng nghiệp nước ngoài nhằm thành lập một tòa án xét xử tội phạm hải tặc. Hãng tin RIA dẫn phát biểu của TT Medvedev: “Chúng ta nên thảo luận vấn đề này theo quan điểm của Luật Hình sự của chúng ta và xem xét mọi khả năng, kể cả việc thành lập một tòa án quốc tế để xét xử các vụ án này”.
Tuy nhiên, ông Medvedev thừa nhận rằng vấn đề này có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và nhiều hãng tàu. Mới đây, Nga không đồng ý với một số nước trong khu vực về việc dẫn độ những người tình nghi là cướp biển bị hải quân Nga bắt giữ. Mặt khác, Nga cũng không có phái bộ ngoại giao tại Somalia – quê hương của hầu hết bọn hải tặc.

Tuần trước, Nga thông báo bắt giữ một tàu hải tặc với 29 tên cướp trên tàu. Có thể những tên này sẽ bị xét xử tại Nga chiếu theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc như Mỹ đã viện dẫn để đưa các tên cướp biển ra tòa tại New York. Theo luật của Nga, tội cướp biển nhận mức án tù từ 5 năm đến 15 năm và nộp tiền phạt lên đến 15.000 USD.
Trong khi đó, tại vùng Vịnh Aden, lần đầu tiên một đoàn tàu buôn được tàu khu trục Đô đốc Panteleyev của Nga hộ tống để phòng bọn cướp biển tấn công hôm 4-5. Cùng ngày, hải quân Hàn Quốc đã cứu một tàu chở hàng của CHDCND Triều Tiên khỏi bị bọn hải tặc tấn công.


Binh sĩ Pháp bắt giữ cướp biển ngoài khơi nước Cộng hòa Djibouti tháng 1-2009. Ảnh: BBC

Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Tổng Tham mưu Hàn Quốc: “Sau khi phát hiện tín hiệu tuyệt vọng từ tàu Triều Tiên, tàu khu trục của chúng tôi đến ngay và bọn cướp rút đi khi thấy tàu chúng tôi đến”. Trước đó, bọn hải tặc Somalia đã tấn công một tàu buôn của Anh và cầm giữ các thủy thủ người Ukraine trên tàu hôm 3-5. Trong thời gian này, hải quân Pháp cũng đã bắt giữ 11 tên hải tặc trên hai thuyền nhỏ và tàu mẹ ngoài khơi Kenya.
Tuy nhiên, một tin không vui cho Pháp là cuộc điều tra mới được công bố hôm 4-5 cho thấy trong chiến dịch giải cứu người đi trên du thuyền Florent Lemacon và gia đình ông này hồi tháng trước, ông Lemacon đã bị trúng đạn của lực lượng đặc biệt Pháp chứ không phải bị bọn cướp bắn chết.

L. Nguyễn (nld)

Bình luận (0)