Tất cả biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên quốc gia châu Phi Mali sẽ kết thúc vào ngày 31-8 sau khi Nga phủ quyết đề xuất gia hạn của Pháp và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Dự thảo của Pháp – UAE dự kiến gia hạn cả các lệnh trừng phạt và nhiệm vụ của Nhóm chuyên gia LHQ chịu trách nhiệm giám sát Mali, lần lượt đến tháng 8 và tháng 9-2024. Dự thảo nhận được 13 phiếu thuận trong Hội đồng Bảo an LHQ nhưng thất bại vì Nga phủ quyết. Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Hội đồng cũng bác bỏ dự thảo thay thế của Nga, theo đó sẽ chấm dứt nhiệm vụ của nhóm chuyên gia ngay lập tức và gia hạn các biện pháp trừng phạt thêm 12 tháng "cuối cùng". Nhật Bản bỏ phiếu chống và 13 thành viên khác bỏ phiếu trắng.
Ông Nebenzia nói thêm dự thảo của Nga có tính đến quan điểm của các thành viên Hội đồng châu Phi, rằng các biện pháp trừng phạt vẫn có hiệu lực trong một thời gian nhằm thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận hòa bình.
Bên cạnh đó, theo ông Nebenzia, dự thảo Nga cũng không biến thành một công cụ gây áp lực ảnh hưởng đến tiến trình chính trị trong nước ở Mali.
Quân đội Gabon xuất hiện trên truyền hình thông báo họ đã nắm quyền hôm 30-8. Ảnh: Reuters
Nga đang tăng cường mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi trong khi phương Tây cũng tích cực tính lại chính sách ở châu lục này sau những biến động gần đây, nhất là các cuộc đảo chính ở một loạt nước.
Liên quan đến tình hình bất ổn châu Phi, các sĩ quan quân đội tại Gabon cho biết họ đã nắm quyền hôm 31-8, quản thúc Tổng thống Ali Bongo Ondimba tại gia và chỉ định một nhà lãnh đạo mới. Mọi việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi cơ quan bầu cử của quốc gia Trung Phi này tuyên bố ông Ondimba đắc cử nhiệm kỳ thứ 3.
Trong vòng vài giờ sau khi tuyên bố nắm quyền, các tướng lĩnh quân đội đã thảo luận xem ai sẽ lãnh đạo tiến trình chuyển giao quyền lực và nhất trí bỏ phiếu bổ nhiệm Tướng Brice Oligui Nguema, cựu lãnh đạo lực lượng bảo vệ tổng thống.
Tổng thống Ali Bongo Ondimba đã lên tiếng phản đối trong một tuyên bố trực tuyến gửi tới các đồng minh nước ngoài, kêu gọi họ lên tiếng thay ông và gia đình. Ông nói rằng ông không biết chuyện gì đang xảy ra.
Các quan chức Gabon, tự xưng là Ủy ban Chuyển đổi và phục hồi thể chế, cho biết đất nước này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về thể chế, chính trị, kinh tế và xã hội và cuộc bầu cử ngày 26-8 là không đáng tin cậy.
Họ cũng cho biết đã bắt giữ con trai của tổng thống, Noureddin Bongo Valentin, và những người khác vì tội tham nhũng và phản quốc.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Liên minh châu Phi đã lên án cuộc binh biến và kêu gọi quân đội đảm bảo an toàn cho Tổng thống Ali Bongo Ondimba và gia đình ông. Trung Quốc và Nga kêu gọi nhanh chóng khôi phục ổn định trong khi Mỹ cho biết tình hình rất đáng lo ngại.
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)