Trong đợt tấn công mới đây nhằm vào nhà máy nhiệt điện Trypilska của Ukraine, Nga được cho là đã sử dụng tên lửa hành trình Kh-69.
Theo trang Defense Express ngày 12-4, Kh-69 cho phép Nga phá hủy hoàn toàn nhà máy nhiệt điện Trypilska lớn nhất của Kiev. Kết luận trên bắt nguồn từ các mảnh Kh-69 được tìm thấy tại hiện trường, các nguồn thạo tin khẳng định.
Kh-69 là tên lửa hành trình cận âm được thiết kế cho máy bay chiến thuật, như Su-34, Su-35 và Su-57. Dữ liệu thực trên chiến trường cho thấy Kh-69 có thể còn nguy hiểm hơn cả tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal.
Theo giới quan sát, đây không phải là lần đầu tiên Nga sử dụng Kh-69 để tấn công Ukraine. Tên lửa này từng được sử dụng vào tháng 2, bên cạnh những đợt cá biệt vào năm 2023, theo Viện nghiên cứu Khoa học Giám định Pháp y Kiev.
Hệ thống dẫn đường của Kh-69 tương tự hệ thống của tên lửa hành trình X-101, hệ thống dẫn đường vệ tinh với ăng-ten "Cometa-M" chống nhiễu, cũng như quán tính.
Trypilska, nhà máy nhiệt điện lớn nhất ở Kiev, sau vụ tấn công ngày 11-4 của Nga. Ảnh: Defense Express
Đặc điểm chính của Kh-69 là khả năng bay cực thấp ở độ cao 20 m, thấp hơn cả tên lửa hành trình Kh-101.
Mặc dù không có vận tốc bay và khả năng mang đầu đạn lớn như tên lửa siêu thanh Kh-47M2 "Kinzhal", Kh-69 được đánh giá là nguy hiểm hơn đối với Ukraine.
Thứ nhất, đợt tấn công hiệu quả nhằm vào nhà máy nhiệt điện Trypilska cho thấy khả năng của Kh-69 trong việc xuyên thủng hệ thống phòng không vốn đang "đuối sức" của Ukraine.
Thứ hai, được triển khai từ Su-34, Su-35 hay Su-57, những đợt tấn công sử dụng Kh-69 khó bị phát hiện hơn so với những đợt tấn công quy mô lớn sử dụng máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và MiG-31K.
Tên lửa hành trình Kh-69 có tầm bắn lên đến 400 km. Ảnh: Express Defense
Một ngày trước đó, Công ty truyền thông Axel Springe (Đức) công bố đoạn video phỏng vấn Tổng thống Zelensky. Trong đó, Tổng thống Zelensky khẳng định với Axel Springe rằng ông và chính phủ Ukraine "thực sự muốn phá hủy cơ sở hạ tầng Nga".
Đặc vụ Ukraine đã tiến hành 2 vụ đánh bom lớn nhằm vào cầu Crimea, theo RT.
Cầu Crimea bốc cháy sau vụ tấn công hồi tháng 10-2022. Ảnh: Reuters
Theo Cao Lực/NLĐO
Bình luận (0)