Nga quyết định khôi phục lại chương trình vũ khí laser từ thời Liên Xô trong bối cảnh Mỹ dường như đang “một mình một chợ” trong lĩnh vực này.
Hãng tin TASS dẫn lời giới chức Moscow và các nguồn tin trong ngành thiết bị quốc phòng cho hay dự án A-60 đang được hồi sinh sau thời gian dài đình trệ kể từ khi Liên Xô tan rã. Cụ thể, dựa trên nền tảng của A-60, Nga đang nỗ lực triển khai chương trình Sokol-Eshelon để nghiên cứu dòng vũ khí laser đặt trên máy bay.
Vũ khí đa năng
Theo Lenta, chương trình A-60 được khởi động vào tháng 6.1965, quy tụ các chuyên gia của 2 trung tâm kỹ thuật quân sự và hàng không nổi tiếng của Liên Xô lúc bấy giờ là Almaz-Antey và G.M.Beriev. Đến năm 1981, hệ thống phóng laser đầu tiên đã được gắn trên máy bay chiến lược đa nhiệm máy bay Il-76 và 3 năm sau thì tiến hành thử nghiệm thực tế.
Các cuộc thử nghiệm cho kết quả rất khả quan khi máy bay phóng ra chùm laser bắn trúng mục tiêu trên không và gây ra hư hại đáng kể. Sau đó, thêm một chiếc Il-76 cải tiến được gắn hệ thống laser trong khi các chuyên gia tìm cách cải thiện cường độ của chùm tia cũng như giảm thiểu tác động của các yếu tố bên ngoài như thời tiết, khói bụi… Tuy nhiên, tất cả phải dừng lại sau biến động năm 1991.
Trong lúc dự án của Nga dần trôi vào dĩ vãng thì Mỹ đổ rất nhiều công sức, tiền của phát triển vũ khí laser và đã bước đầu gặt hái được thành công. Quyết không để tụt lại quá xa, Moscow đã nhập cuộc trở lại. Hãng thông tấn Sputnik mới đây dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Yuri Borisov cho biết quân đội Nga đã đặt hàng nghiên cứu nhiều loại vũ khí laser khác nhau. Ông không tiết lộ thêm chi tiết nhưng truyền thông Nga dẫn các nguồn cấp cao cho biết dự án chủ lực hiện nay mang tên Sokol-Eshelon nhằm tìm kiếm một hệ thống laser đa năng có thể bắn hạ máy bay, vệ tinh lẫn tên lửa đạn đạo.
“Mục tiêu chủ yếu ở giai đoạn đầu của dự án là vô hiệu hóa các cảm biến và hệ thống điện tử quang học của vệ tinh bằng xung động trực tiếp từ chùm laser. Giai đoạn thứ hai là một khi laser đạt được mức năng lượng phù hợp, hệ thống sẽ đủ sức tấn công các mục tiêu đạn đạo”, trang Rutply dẫn lời chuyên gia Igor Korotchenko, thành viên ban cố vấn dân sự của Bộ Quốc phòng Nga, cho biết.
Mặt khác, Nga cũng đang tìm kiếm loại máy bay đủ sức triển khai vũ khí laser một cách hiệu quả nhất. Theo trang Russia Beyond The Headlines, các lựa chọn khả dĩ bao gồm chế tạo một phi cơ chuyên dụng hoàn toàn mới hoặc tận dụng một oanh tạc cơ chiến lược nào đó. Ngoài ra, một ứng viên nhiều tiềm năng khác là Il-76MD-90A, phiên bản cải tiến của Il-76 với những tính năng vượt trội.
Mỹ tăng tốc
Trong khi đó, Mỹ đang nhắm đến cải biến hàng loạt máy bay quân sự của nước này, kể cả các thiết bị không người lái (UAV) để làm nền tảng triển khai vũ khí laser trên không. Từ đầu thập niên 2000, không quân Mỹ đã triển khai chương trình YAL-1 để gắn thiết bị phóng laser công suất 1 megawatt lên máy bay dân sự Boeing-747 được cải tiến đặc biệt. Trọng tâm là bộ phận hình bầu dục có thể phóng chùm laser hóa học iodine ô xy gắn ở mũi máy bay để bắn hạ tên lửa đang di chuyển.
Vào năm 2010, chiếc Boeing YAL-1 lần đầu tiên đánh chặn thành công một tên lửa trong cuộc thử nghiệm tại căn cứ hải quân Ventura thuộc bang California. Các cuộc phóng thử sau đó cũng hoàn thành tốt đẹp, nhưng Lầu Năm Góc đã nhận ra những điểm yếu lớn của vũ khí này. Đó là chi phí quá cao và khả năng áp dụng trong thực tiễn quá thấp. Vũ khí laser trang bị trên chiếc Boeing có tầm bắn ngắn nên máy bay buộc phải tiến gần bệ phóng tên lửa và trở thành mục tiêu dễ dàng cho các chiến đấu cơ và hệ thống phòng không của đối phương.
Bên cạnh đó, do sử dụng laser iodine ô xy hóa học khiến mỗi lần bắn xong, máy bay phải hạ cánh tiếp thêm nhiên liệu cho hệ thống phóng. Cuối cùng dự án YAL-1 đã bị đình chỉ vào năm 2011 sau khi đã tiêu tốn 5 tỉ USD.
Tuy nhiên, sau khi hải quân đạt được kết quả rất đáng khích lệ với khẩu súng laser gắn trên tàu chiến USS Ponce, không quân và Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) quyết định tiếp tục phát triển hệ thống bắn laser nhẹ hơn, tầm bắn xa hơn, bắn nhiều đợt không cần tiếp nhiên liệu và có thể đánh chặn tên lửa trong giai đoạn phóng. Vũ khí này có thể được gắn trên UAV, máy bay vận tải C-130 Hercules và cả chiến đấu cơ F-35. “Ngay khi chúng tôi có thể thu nhỏ ống phóng, hệ thống sẽ được lắp tiêm kích đa nhiệm F-35B, trực thăng tấn công Cobra… bất cứ loại máy bay nào hiện có”. Chuyên trang National Defense dẫn lời một sĩ quan cấp cao của Lầu Năm Góc khẳng định.
Đến nay, hệ thống vũ khí laser duy nhất được triển khai thử nghiệm thực chiến là ống phóng lắp đặt trên tàu chiến USS Ponce của Mỹ, vốn được đưa tới vùng biển vịnh Ba Tư từ năm 2014. Theo hải quân Mỹ, ưu điểm lớn của vũ khí laser là chi phí cực kỳ thấp so với tên lửa và bom thông minh. Khẩu pháo laser gắn trên tàu USS Ponce chỉ có giá khoảng 40 triệu USD và chỉ tốn chi phí 1 USD/lần bắn. Trong khi đó, tính trung bình, chi phí sản xuất mỗi quả tên lửa Tomahawk đã lên tới 1,4 triệu USD.
Điểm yếu lớn nhất của các thế hệ vũ khí laser đời đầu là sức công phá thấp. Chẳng hạn như laser của tàu USS Ponce chỉ có công suất 30 kW và vẫn chưa thể chặn được tên lửa đối hạm, cũng như chỉ đủ “gãi ngứa” cho chiến đấu cơ và chiến hạm thực thụ. Tuy nhiên, Mỹ đang đẩy nhanh vũ khí thế hệ 3 hoạt động bằng pin lithiumion nhỏ gọn. Chuyên san Aviation Week & Space Technology dẫn lời giới chức cho biết với chi phí vận hành hầu như không tăng, các chuyên gia đã thành công trong việc tăng công suất chùm laser lên đến 150 kW, đủ sức tiêu diệt UAV cũng như bắn chặn ngư lôi lẫn các đội tàu cao tốc cỡ nhỏ.
Trước triển vọng lớn của vũ khí laser, dù ống phóng trên tàu USS Ponce vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, hải quân Mỹ vừa quyết định chi 53 triệu USD để nghiên cứu bước đầu việc trang bị loại vũ khí này cho khu trục hạm, tàu hộ tống và có thể là cả tàu sân bay, theo chuyên trang Scout Warrior.
|
Thụy Miên (TNO)
Bình luận (0)