Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đang chỉ gây phản tác dụng.
Phương Tây đóng băng gần 300 tỉ USD vàng và ngoại hối của Nga.
RT dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin cho biết tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok hôm 12.9 rằng, Nga đã kiếm được gấp đôi số vàng và dự trữ ngoại hối bị phương Tây đóng băng năm ngoái.
EU, Mỹ và các đồng minh đã đóng băng tài sản trị giá hàng trăm tỉ USD của Ngân hàng trung ương Nga như một phần của lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột Ukraina.
“Tôi biết dự trữ vàng và ngoại hối của chúng tôi đang bị đóng băng. Chúng tôi đã kiếm được gấp đôi số tiền đó. Nhưng chúng tôi thậm chí không nói về khoản 300 tỉ USD này, chúng tôi đang nói về việc làm suy yếu niềm tin vào những người đã làm điều đó” – Tổng thống Nga lập luận.
Nhiều nhà kinh tế, kể cả phương Tây, đã cảnh báo rằng việc tịch thu tài sản của Nga sẽ gây nguy hiểm cho niềm tin của nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng EU và làm tổn hại đến vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Liên minh châu Âu.
Gần 300 tỉ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đã bị đóng băng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina. Theo ước tính chính thức, dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga giảm 8,4% vào năm 2022.
Vào tháng 3 năm nay, Ngân hàng trung ương Nga tiếp tục công bố dữ liệu về cơ cấu dự trữ nhà nước. Tính đến tháng 8, quỹ vàng và ngoại hối của nước này đạt hơn 580 tỉ USD.
Trước đó, hồi cuối tháng 8 năm nay, Mátxcơva tuyên bố sẵn sàng cho phép các nhà đầu tư EU sử dụng số tiền bị phong tỏa ở Nga để mua tài sản của Nga đang bị EU phong tỏa.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, đề xuất hoán đổi này nhằm mục đích giải phóng 1,1 tỉ USD – chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư bán lẻ – trong số gần 16 tỉ USD của 3,5 triệu người Nga đang bị đóng băng ở EU.
Theo Ngân hàng trung ương Nga, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thể sử dụng số tiền hiện được giữ trong tài khoản được gọi là tài khoản loại C và việc này sẽ là tự nguyện.
Theo chính phủ Bỉ, gần 200 tỉ Euro tài sản của Nga đã bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraina tại Euroclear – cơ quan thanh toán lớn nhất thế giới. 180 tỉ Euro trong số đó là dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga.
Ủy ban châu Âu đang cố gắng tìm ra những cách hợp pháp để sử dụng nguồn vốn cố định của Nga nhằm “tái thiết” Ukraina. Trong số các lựa chọn là sử dụng tiền lãi của số tiền này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết vào tháng 6 rằng, EU sẽ chuẩn bị một đề xuất pháp lý về việc chuyển giao tài sản của Nga.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)